Chú là Lê Trọng Nghĩa, 51 tuổi, nhân viên bảo vệ tại Trường ĐH Luật TP.HCM (đường Nguyễn Tất Thành, Q.4). Sinh viên đã ra trường vẫn nhớ chú và gọi bằng tên gọi thân thương “chú bảo vệ tốt bụng nhất vũ trụ”.
Chú Nghĩa chào buổi sáng các sinh viên |
THÚY HẰNG |
Mới đây, trên mạng xã hội, tại các diễn đàn của sinh viên TP.HCM, các bạn trẻ chia sẻ hình ảnh chú Lê Trọng Nghĩa cầm bịch kẹo tặng cho từng sinh viên tới nhận bằng tốt nghiệp kèm lời chúc “chú tặng con nè, mai mốt không tới trường nữa rồi, cố gắng thành công con nha”...
Chú Nghĩa cho hay mình học những câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản từ các sinh viên trong trường. Làm nhân viên bảo vệ ở Trường ĐH Luật TP.HCM từ năm 2017 tới nay, năm học nào chú Nghĩa cũng mua kẹo, tặng cho các bạn sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp, thi thoảng còn mua nước cam, trà tắc mời các sinh viên học bài xuyên trưa ở sảnh.
Chú Nghĩa tâm sự những phần quà nhỏ ấy được trích từ đồng lương của mình. “Nó không đáng là bao cả. Cũng từng là học sinh, tôi rất hiểu tâm lý của các bạn khi đi học cần sự động viên của mọi người. Mình tặng cái kẹo, ly nước, chào hỏi các bạn, cũng là tiếp thêm cho các bạn ấy động lực, niềm tin, để các bạn trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội”, chú nói.
Chú Nghĩa hỗ trợ các sinh viên tới nhập học, mua sách vở, nhận giấy tờ |
Một tấm ảnh đặc biệt
Trong tư trang mang đi làm mỗi ngày, ngoài bộ đàm, sổ sách, bút, chú Nghĩa có một tấm ảnh đặc biệt, hình chú và một sinh viên trong ngày nhận bằng tốt nghiệp ĐH, được lồng trong khung màu xanh da trời. “Bạn sinh viên ấy K40. Bạn chụp ảnh kỷ yếu và gọi điện cho tôi nói “chú phải đến nha, con mời chú đến dự và chụp ảnh với con”. Mấy hôm sau bạn mang quà về tận trường cho tôi, tôi mở ra thấy tấm ảnh này thì vui lắm. Tấm ảnh luôn theo tôi mấy năm qua”, chú Nghĩa kể. Trong những kỷ niệm thanh xuân ở mái trường ĐH, chú Nghĩa như một người cha, người chú trong gia đình của rất nhiều sinh viên.
Trần Minh Thảo, 23 tuổi, tốt nghiệp bằng giỏi ngành luật chất lượng cao K42 xúc động: “Em mới đến trường xin bảng điểm để nộp vào công ty đang làm, chú Nghĩa hỗ trợ rất nhiệt tình, còn nói “chúc bạn mọi điều may mắn, vui vẻ nha”. Chú bảo vệ tốt bụng đã trở thành một phần kỷ niệm tươi đẹp của em ở ngôi trường này trong suốt 4 năm qua”.
Còn Trương Thị Thảo, 21 tuổi, sinh viên ngành luật thương mại K44 thường xuyên mang laptop tới sảnh của trường để học bài chia sẻ từ khi năm nhất mới đến nhập học, Thảo đã quý mến chú Nghĩa vì sự thân thiện, nhiệt tình. Thảo còn lưu số điện thoại của chú Nghĩa, ngày lễ tết, bạn gọi thăm hỏi chú có khỏe không. “Em ngồi học ở đây chú đi qua hỏi “con ăn cơm chưa”, “có khát nước không nay chú mời”. Mấy hôm trước đi học, chú còn lì xì cho tụi em, số tiền nhỏ thôi nhưng bạn nào cũng thấy ấm áp”, Thảo kể.
“Ba mẹ luôn dặn tôi sống tử tế”
Chú Lê Trọng Nghĩa cho hay mình chỉ học hết THPT rồi đi làm đủ nghề, trong đó có dọn dẹp nhà cửa thuê. Chú sinh ra và lớn lên ở Q.4, từ khi cha mẹ qua đời, chú về sống cùng gia đình chị anh và các cháu của mình tại xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn. Mỗi ngày, chú đều đặn rời khỏi nhà lúc 5 giờ sáng, để kịp vào ca lúc 6 giờ. 18 giờ chiều, tan làm, chú chạy xe máy tà tà về nhà.
Tấm ảnh chụp cùng cựu sinh viên được chú Nghĩa rất trân quý |
“Tôi độc thân nên coi các sinh viên như con cháu mình vậy. Ba mẹ tôi trước đây buôn bán, lúc nào cũng dặn tôi làm nghề gì cũng phải sống tử tế, biết giúp đỡ mọi người. Tôi cũng từng là người trẻ, mong lắm được sự giúp đỡ từ người lớn, để có niềm tin vào cuộc đời, để phấn đấu”, chú Nghĩa nói về lý do của tất cả những việc mình hỗ trợ sinh viên thời gian qua.
Anh Nguyễn Thành An, giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng một nhân viên bảo vệ như chú Nghĩa “bây giờ rất hiếm”. Anh An kể một câu chuyện, để thấy rằng người đàn ông giản dị này đã được sinh viên yêu mến như thế nào: “Có một thời gian khoảng 2-3 tháng, chú Nghĩa được công ty bảo vệ (công ty cung cấp nhân sự bảo vệ cho Trường ĐH Luật TP.HCM - phóng viên) phân công sang cơ quan khác, lúc đó nhiều em sinh viên hỏi lắm. Các em hỏi các thầy cô là chú Nghĩa đi đâu, tại sao chú Nghĩa không làm việc ở đây nữa, nhiều em viết lên mạng xã hội bày tỏ rất nhớ người bảo vệ tốt bụng hỏi thăm sinh viên mỗi ngày. Tôi đọc được những bài viết ấy và nghĩ rằng một người bảo vệ được sinh viên yêu mến như vậy là rất đáng quý. Tôi bàn với phòng Quản trị thiết bị nhà trường làm việc với công ty, rồi chú Nghĩa đã trở về”.
Anh An cho hay không chỉ sinh viên mà các giảng viên, công nhân viên nhà trường đều quý mến chú Nghĩa bởi tinh thần làm việc tận tâm, có trách nhiệm và đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các sinh viên. “Chú Nghĩa khiến Trường ĐH Luật TP.HCM như một mái nhà thật sự của người trẻ, nơi các em từ các tỉnh về TP, còn đang bỡ ngỡ với mọi thứ. Người đàn ông này còn có một trí nhớ đặc biệt. Nhiều sinh viên ra trường rồi, ngày quay trở lại học Cao học, chú vẫn nhớ và gọi đúng tên, hỏi thăm các bạn giờ ra sao. Chính chúng tôi cũng phải học tập chú, một người bảo vệ tốt bụng có cách sống đẹp, sống tử tế”, anh An bộc bạch.
Bình luận (0)