PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết, các trẻ bị tiêu chảy đến khám và nhập viện gia tăng trong các tuần gần đây. Có ca trực tiếp nhận cùng lúc 3 trẻ nhập viện do tiêu chảy.
|
Đáng lưu ý, nhiều trường hợp mắc tiêu chảy trong khi đi du lịch nghỉ hè với gia đình. Phần lớn là các trẻ 2-5 tuổi, nhưng nhiều cháu dưới 12 tháng tuổi, thậm chí nhỏ hơn nữa.
Lo lắng về sức khỏe của con mình, chị Nguyệt, mẹ của bé trai 18 tháng tuổi nhà ở Q.Hai Bà Trưng cho biết, gia đình vừa có kỳ nghỉ hè 10 ngày ở biển. Sau khi về nhà cháu bị tiêu chảy. Đi khám ở bệnh viện tư, bác sĩ cho truyền nước, uống thuốc. Khỏi được 4-5 ngày thì lại tiêu chảy. “Chỉ chưa đến hai tuần mà cháu đã hai lần bị tiêu chảy. Lần này cháu có bị sốt, nôn nên gia đình rất lo lắng” - chị nói.
TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, tiêu chảy gây nguy hiểm nhất là mất nước. Do đó cần bù nước cho trẻ nhưng phải đảm bảo bù nước hiệu quả. Bởi vì uống oresol nhưng nôn ra hoặc lượng uống vào không đủ bù đắp do trẻ tiêu chảy nhiều, sốt cao thì vẫn rất nguy hiểm, thậm chí tử vong có thể do mất nước.
TS Dũng chia sẻ: “Chúng tôi vẫn nói là mùa hè là mùa của tiêu chảy “du lịch”, bởi vì nhiều trẻ bị tiêu chảy trong kỳ nghỉ với gia đình”. Nguyên nhân do thức ăn thay đổi, vệ ính thực phẩm, vệ sinh cá nhân (đặc biệt là bàn tay) không đảm bảo gây ô nhiễm cho thực phẩm. Các tác nhân gây tiêu chảy “du lịch” có thể thấy là do vi khuẩn E. Coli. Đây là vi khuẩn đường ruột, theo chất thải ra môi trường rồi nhiễm vào thực phẩm do chế biến bảo quản, bàn tay bẩn.
“Rất cần lưu ý với các trẻ tiêu chảy kèm theo sốt, có thể sốt do vi rút hoặc sốt do vi khuẩn. Nguyên nhân sốt khác nhau cần điều trị khác nhau, cần điều trị đúng tránh nguy hiểm cho trẻ. Nếu trường hợp trẻ tiêu chảy kèm sốt do vi khuẩn cần được dùng kháng sinh. Nhưng nếu do vi rút thì kháng sinh không có tác dụng”, bác sĩ khuyến cáo.
Theo chuyên gia, các gia đình khi cho con đi nghỉ cần đặc biệt lưu ý về an toàn thực phẩm, đặc biệt là nấu chín, vệ sinh bàn tay, không nên sự dụng các thức ăn lạ. Oresol nên mang theo để bù nước kịp thời khi trẻ bị sốt, tiêu chảy. Cần pha dung dịch oresol đúng theo hướng dẫn. Khi thấy trẻ tiêu chảy nhiều, mất nước ồ ạt, khô môi, nằm li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
“Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy vì thuốc dùng không đúng làm giảm nhu động ruột, “liệt” ruột khiến phân không được thải ra ngoài dẫn đến chướng bụng, tắc ruột”, TS Dũng nhấn mạnh.
Liên Châu
>> Chùm ca bệnh tiêu chảy cấp ở TP.HCM, một bé tử vong
>> Mùa hè - đề phòng trẻ bị tiêu chảy cấp
>> Tiêu chảy do vi rút
>> Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
>> Củ sắn trị tiêu chảy
>> Đẩy lùi tiêu chảy không khó
Bình luận (0)