Giá tăng kỷ lục, ‘vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ kinh doanh ra sao?

Chí Nhân
Chí Nhân
02/04/2024 16:03 GMT+7

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thị phần cà phê hòa tan lại gần như nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài, duy chỉ có Trung Nguyên của 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ là ngoại lệ.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết: Giá cà phê cao nhất trong những năm qua, nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân với tỷ lệ lên đến khoảng 91%, còn lại các sản phẩm chế biến sâu. Brazil cũng xuất khẩu cà phê nhân khoảng 88%.

Giá tăng kỷ lục, ‘vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ kinh doanh ra sao?- Ảnh 1.


Kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan của cà phê Trung Nguyên luôn vượt xa so với các tên tuổi khác của Việt Nam

Tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu còn thấp và các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 69% về kim ngạch xuất khẩu. Trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan hàng đầu Việt Nam, chỉ có Trung Nguyên là doanh nghiệp Việt Nam còn lại là các doanh nghiệp FDI.

Trung Nguyên luôn đứng ở vị trí dẫn đầu trong khối doanh nghiệp Việt Nam về mặt hàng cà phê hòa tan. Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/24 (từ tháng 10.2023 - 2.2024) xuất khẩu cà phê hòa tan của Trung Nguyên đạt 56 triệu USD, đứng thứ 2 là Công ty đầu tư và phát triển An Thái đạt 4,3 triệu USD, Vinacafe Biên Hòa đạt 4 triệu USD đứng thứ 3.

Trong khi đó, "ông trùm" xuất khẩu cà phê nhân là Tập đoàn Intimex giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê hòa tan chỉ đạt 3,3 triệu USD xếp thứ 4. Với 1 triệu USD, Công ty King Coffee Tni đứng thứ 5. Tiếp theo là các "gương mặt mới nổi" như Công ty Vĩnh Hiệp đạt 280.000 USD và Công ty Phúc Sinh 180.000 USD.

Theo VICOFA, việc các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu vẫn còn ở tỷ lệ thấp vì đầu tư hệ thống nhà máy chế biến sâu chi phí cao. Chỉ những doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Intimex, Timex Corp (Tín Nghĩa), Vĩnh Hiệp, Phúc Sinh… mới có khả năng đầu tư.

Bên cạnh đó, đầu tư thương hiệu phải trải qua quá trình quảng bá và tiếp thị lâu dài như Trung Nguyên của "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ cũng phải mất thời gian khoảng 25 năm. Ngoài ra, các sản phẩm cà phê chế biến sâu thị trường đầu ra khó khăn, đặc biệt châu Âu, châu Mỹ.

Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli cũng thừa nhận: Là một nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng khi đi ra nước ngoài có rất ít thương hiệu cà phê Việt, ít hơn cả Thái Lan hay Malaysia, đáng kể nhất chỉ có Trung Nguyên. Để xuất khẩu cà phê phát triển bền vững cần phải đầu tư và xuất khẩu các sản phẩm cà phê có thương hiệu và để thành công, cần có sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước trong công tác xúc tiến thương mại, marketing…

Để tiếp tục xuất khẩu cả phê bền vững, VICOFA cho biết đang định hướng xây dựng thương hiệu "Cà phê robusta Việt Nam" và để làm được điều này cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ các bộ ngành trung ương.

Niên vụ 2022/23, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thu về 4,1 tỉ USD. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), giá trị xuất khẩu khoảng 510 triệu USD.

Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đứng thứ 4 trong danh sách các nhà xuất khẩu cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam (kể cả doanh nghiệp FDI); sản lượng gần 15.000 tấn giá trị thu về gần 75 triệu USD.

Công ty CP Tập đoàn Intimex do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc dẫn đầu về sản lượng cà phê nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.