Xuất khẩu cà phê ‘cầm chắc’ 5 tỉ USD

30/03/2024 19:20 GMT+7

Đây là nội dung được nhiều người dự báo tại hội thảo ‘Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD”. Bên cạnh đó, chuyên gia nước ngoài khuyến nghị nên xây dựng TP.HCM và Hà Nội trở thành các 'thành phố cà phê" nổi tiếng thế giới.

Hội thảo trong chương trình ‘Tôn vinh cà phê - trà Việt’, vào ngày 30.3, do Báo Người Lao Động tổ chức.

Xuất khẩu cà phê ‘cầm chắc’ 5 tỉ USD- Ảnh 1.

Chuyên gia nước ngoài khuyến nghị Việt Nam nên xây dựng TP.HCM và Hà Nội là thành phố cà phê để hỗ trợ phát triển ngành hàng tỉ đô này một cách bền vững

CTV

Việt Nam nắm giữ "khẩu vị cà phê thế giới"

Tại hội thảo, nhiều ý kiến khác nhau về những con số Việt Nam xuất khẩu gần 800.000 tấn cà phê, tăng 44%, với giá bình quân 2.373 USD/tấn, tăng 7% và thu về 1,9 tỉ USD tăng 54% trong quý 1. 

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) nói: "Những con số trên tương đối không chính xác. Chúng tôi đã báo lại với lãnh đạo những con số đúng, sẽ được công bố lại trong cuộc họp báo hàng tháng sắp tới. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê ở mức rất cao trung bình đến 3.200 USD/tấn, sản lượng xuất khẩu gần 600.000 tấn và kim ngạch 1,9 tỉ USD".

Cũng theo ông Hải, từ đầu năm đến nay giá cà phê tăng liên tục, thời điểm cao nhất 102.000 đồng/kg. Bên cạnh mặt lợi là bà con nông dân bán được giá cao cũng xảy ra một số vấn đề như hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Từ việc người nông dân không bán cho nhà xuất khẩu mà bán cho đại lý, thương lái dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 500.000 tấn, tương đương 1/3 sản lượng cà phê Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó chủ tịch VICOFA, nhận định: Trước đây, giá cà phê Việt Nam dựa trên giá của sàn London cộng với chi phí vận chuyển và một số loại chi phí khác sẽ ra giá bán. Nay giá cà phê London phải cộng thêm đến 600 USD/tấn mà các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa mua được hàng. Có nghĩa giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trên 4.000 USD/tấn.

Giá cà phê tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ, không giao hàng đúng hạn. Nhiều người lo lắng, giá cà phê quá cao sẽ khiến các nhà rang xay nước ngoài tìm kiếm nguồn cung mới. Bản thân Công ty Intimex đã thử mua cà phê từ nước khác về làm cà phê hòa tan nhưng không thể ra được vị của cà phê hòa tan Việt Nam, thị trường thế giới không chấp nhận. Trong khi đó, cà phê Việt Nam đang là sản phẩm không thể thay thế ở thị trường châu Âu. Hoặc ít nhất thế giới cần rất nhiều thời gian để thay đổi 'khẩu vị' cà phê hiện tại. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế nhưng chúng ta cũng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững", ông Nam nói.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp có cùng nhận định: Với diễn biến thị trường như hiện tại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 cầm chắc trong tay 5 tỉ USD. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là giải pháp làm sao cho ngành cà phê phát triển bền vững, không để con số 5 tỉ USD chỉ là cột mốc lịch sử.

"Xây dựng TP.HCM và Hà Nội là thành phố cà phê"

Th.S Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê nói: Với giá thị trường 4.000 USD/tấn như hiện nay thì dựa trên sản lượng, cộng trừ một cách cơ học cũng ra được con số 5 tỉ USD. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững. "Chúng ta thấy rằng, giá bán cà phê nhân 4.000 USD/tấn đã là mức cao chưa từng thấy, nhưng các sản phẩm cà phê chất lượng cao của Việt Nam có giá đến 6.000 - 7.000 USD/tấn và các loại cà phê đặc sản lên đến 8.000 USD/tấn. Đi sâu vào chất lượng để nâng giá trị là điều chúng ta cần thúc đẩy phát triển ngay từ bây giờ", ông Bình chia sẻ.

Xuất khẩu cà phê ‘cầm chắc’ 5 tỉ USD- Ảnh 2.

Rất ít cà phê Việt được nhận diện thương hiệu trên thị trường thế giới

CTV

Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli băn khoăn: Là một nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng khi đi ra nước ngoài có rất ít thương hiệu cà phê Việt trên, ít hơn cả Thái Lan hay Malaysia, đáng kể nhất chỉ có Trung Nguyên. Để phát triển cà phê đạt kim ngạch 5 tỉ USD một cách bền vững cần phải xuất khẩu sản phẩm cà phê có thương hiệu. Để thành công, cần có sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước trong công tác xúc tiến thương mại, marketing…

Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee, đồng tình: Cùng với Việt Nam, Brazil là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mặt hàng cà phê chất lượng cao của nước này chiếm tới 5% thị phần cà phê thế giới, trong khi tương ứng của Việt Nam chỉ là… 0,01%. Việt Nam không nên xuất khẩu cà phê hàng hóa mà đầu tư xuất khẩu sản phẩm cà phê, cà phê thương hiệu, phân thành nhiều phẩm cấp chất lượng khác nhau. Bên cạnh đó, định hướng xây dựng TP.HCM và Hà Nội thành những thành phố cà phê nổi tiếng thế giới.

Bà Đỗ Việt Hà, Thương vụ Việt Nam tại Đức, chia sẻ: Các báo cáo của nước này chỉ ra rằng, người Đức uống cà phê nhiều hơn uống bia. Nước Đức cũng là thị trường xuất nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Người Đức và thị trường EU nói chung thích tiêu thụ các các sản phẩm dòng cà phê đặc sản tăng, cao cấp, sản phẩm đáp ứng tiêu chủ bền vững, thuần chay… và đặc biệt là những câu chuyện gắn với nguồn gốc sản phẩm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.