Theo Bộ Y tế, đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia nghiên cứu thực trạng về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm lứa tuổi học sinh (HS) lớp 8 - 12 (13 - 17 tuổi), với các chỉ số về chế độ dinh dưỡng, sử dụng rượu bia, sức khỏe tâm thần, tình dục... Cuộc điều tra triển khai tại 21 tỉnh, thành với gần 7.800 học sinh tham gia khảo sát, cung cấp số liệu dẫn đến yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác.
Cần quan tâm tăng cường hoạt động thể chất cho lứa tuổi học sinh, nhằm phòng tránh nguy cơ thừa cân, béo phì |
khả hòa |
Tăng số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử
Tại hội thảo, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết so sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy, có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực. Trong đó, tỷ lệ HS hút thuốc lá, dùng ma túy, HS bị bắt nạt giảm nhiều. HS đã tăng cường hoạt động thể chất nhiều hơn.
Tuy nhiên, WHO cũng kêu gọi Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan tăng cường hơn nữa hợp tác đa ngành để giải quyết các vấn đề cấp bách và một số chỉ số tích cực bị giảm.
Cụ thể, so sánh kết quả điều tra tại Việt Nam năm 2013 và 2019 cho thấy HS ăn thức ăn nhanh nhiều hơn; thừa cân béo phì tăng lên; HS sử dụng thuốc lá điện tử mức khá cao.
Đáng chú ý, HS thừa cân, béo phì: 5,8% năm 2013 tăng lên 10,6% năm 2019. Lần đầu tiên đưa chỉ số sử dụng thuốc lá điện tử vào điều tra, ghi nhận tỷ lệ chung tại 21 tỉnh, thành có 2,6% HS từng sử dụng thuốc lá điện tử; riêng ở Hà Nội và TP.HCM tỷ lệ này lên đến 7,9%.
Cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của trẻ
Cũng theo kết quả nghiên cứu được công bố, so với năm 2013, năm 2019 tỷ lệ HS bị bắt nạt đã giảm nhiều (từ 22,7% còn 6,2%). Tỷ lệ HS vận động thể lực 60 phút/ngày trong 5 ngày/tuần tăng từ 20,5% lên 21,7%.
Tuy nhiên, có những chỉ số rất đáng lưu tâm: tỷ lệ HS nhẹ cân đã giảm 50% nhưng thừa cân, béo phì lại tăng gấp 2 lần; tỷ lệ HS có uống nước ngọt hơn 1 lần trong ngày tăng 30 - 33,9%; tỷ lệ sử dụng thức ăn nhanh trên 3 ngày/tuần tăng từ 8,4 - 17%. Đây là chế độ dinh dưỡng không tốt cho sức khỏe, dễ làm gia tăng thừa cân, béo phì, tiền đề của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng mỡ máu, đái tháo đường trong tương lai nếu không được kiểm soát.
Về sức khỏe tâm thần, nghiên cứu năm 2019 cho thấy, gần 13% HS cho biết các em cảm thấy cô đơn; 6,2% cho biết có tâm lý thường xuyên lo lắng.
PGS-TS Tuyết Hạnh (Trường ĐH Y tế Công cộng, Bộ Y tế), trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Đáng lưu ý, cứ 6 - 7 HS được hỏi thì có 1 em trả lời rằng “đã nghiêm túc xem xét tự tử trong vòng 1 năm qua”; có 3% em “cố gắng tự tử dẫn đến ngộ độc, chấn thương trong 12 tháng qua”.
Tỷ lệ quan hệ lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần
Tỷ lệ HS đi bộ đến trường tăng; tỷ lệ HS vận động thể chất 60 phút/ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần tăng lên. Chỉ 15% HS bơi được 25 m, do đó cần cải thiện hơn nữa kỹ năng bơi, vì liên quan phòng ngừa đuối nước.
Gần 75% các con sống với cha mẹ nhưng chưa đến 25% cha mẹ, người giám hộ thường xuyên kiểm tra, xem bài tập về nhà của các con đã hoàn thành chưa (năm 2013 tỷ lệ này là 27,6%).
Đáng lưu ý, thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục trong HS giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% năm 2013 tăng lên 3,51% năm 2019.
(Nguồn: Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại VN năm 2019)
Ngoài ra, tỷ lệ HS được hướng dẫn về dấu hiệu trầm cảm còn thấp; hơn 40% cha mẹ, người giám hộ biết con làm gì khi rảnh rỗi (năm 2013 tỷ lệ này là 37,3%); và chỉ hơn 28% cha mẹ, người giám hộ biết, hiểu các vấn đề và lo lắng của trẻ (năm 2013 tỷ lệ này là 30,4%).
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cha mẹ, người giám hộ cần gần gũi, chia sẻ với các con nhiều hơn, kịp thời hỗ trợ các con, đặc biệt cần thiết để tránh cho trẻ lo lắng quá mức, trầm cảm, dẫn đến các hành vi không kiểm soát được.
Tại hội thảo, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo ngành giáo dục và y tế cần xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe cho HS, chú trọng về chất lượng bữa ăn trường học, điều kiện vận động thể chất cho lứa tuổi này. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình y tế học đường 2021 - 2025, đề nghị ngành y tế có hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho ngành giáo dục triển khai hiệu quả. Hai bộ cũng cần phối hợp các bộ, ngành xây dựng chính sách để tăng cường vận động thể chất; kiểm soát hoạt động quảng bá thức ăn, thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Bình luận (0)