Giá thực phẩm tăng mạnh, tổ chức tiêu dùng kêu gọi chính phủ Anh hành động

Khánh An
Khánh An
17/07/2023 06:41 GMT+7

Báo cáo về giá thực phẩm của một tổ chức tiêu dùng tại Anh cho thấy một số mặt hàng tăng giá đến 175% kể từ năm 2021.

Giá thực phẩm tăng, tổ chức tiêu dùng kêu gọi chính phủ Anh hành động - Ảnh 1.

Một khách hàng tại siêu thị ALDI gần thị trấn Altrincham ở Anh

REUTERS

Hãng Reuters ngày 17.7 đưa tin tổ chức tiêu dùng Which? vừa kêu gọi chính phủ Anh hỗ trợ các hộ gia đình, sau khi công bố báo cáo về giá thực phẩm cho thấy một số mặt hàng tăng giá đến 175% kể từ năm 2021.

Phân tích hơn 21.000 sản phẩm thực phẩm và đồ uống tại các hệ thống Tesco, Sainsbury's , Asda, Morrisons, Aldi, Lidl, Waitrose và Ocado, tổ chức này nhận thấy giá cả ở siêu thị tăng 25,8% từ tháng 6.2021 đến tháng 6.2023.

Giá thực phẩm bị tác động bởi giá cả tăng của thức ăn gia súc, phân bón và nhiên liệu cũng như năng lượng và lao động. Mùa màng thất thu, cúm gia cầm và đồng bảng Anh suy yếu cũng có tác động.

Tuy nhiên, Which? cho biết báo cáo thể hiện rằng một số sản phẩm siêu thị đã bị tác động bởi lạm phát cao. Cục Cạnh tranh và Thị trường (CMA) dự định sẽ cập nhật về cạnh tranh và giá cả trong lĩnh vực thực phẩm trong tháng này. Trước đó, cơ quan này cho biết không phát hiện bằng chứng dẫn đến lo ngại cụ thể nào.

"Nếu có vấn đề về cạnh tranh, CMA nên sẵn sàng có hành động phù hợp", tổ chức Which? lên tiếng và nói thêm rằng Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cũng nên cập nhật tiến triển về những biện pháp nhằm giảm áp lực đối với người tiêu dùng.

Các siêu thị tại Anh đều bác bỏ cáo buộc rằng họ đã trục lợi thông qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Phản hồi Which?, Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) đại diện cho các siêu thị lớn cho biết các nhà bán lẻ đã không chuyển cho người tiêu dùng tất cả những áp lực về chi phí mà họ phải đối mặt.

"Các nhà bán lẻ đã nỗ lực hết sức để chịu phần chi phí tăng có nghĩa là Anh cung cấp giá hàng thực phẩm rẻ nhất châu Âu", theo CEO Helen Dickinson của BRC. Bà cũng chỉ ra rằng giá của một số mặt hàng chủ lực như bơ và bánh mì đã bắt đầu giảm trong những tuần gần đây.

Nhiều nước châu Âu đã phải chật vật đối phó lạm phát cao. Tháng trước, chính phủ Pháp đã nhận được cam kết từ 75 công ty thực phẩm về việc giảm giá hàng trăm sản phẩm.

Hungary áp đặt quy định giảm giá bắt buộc. Trong khi bày tỏ lo ngại về giá thực phẩm tăng cao, chính phủ Anh cho biết họ không xem xét áp đặt trần giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.