(TNO) Trong bối cảnh hiện nay, việc lèo lái truyền thông về nguyên nhân rơi máy bay Nga đang trở thành một kênh bảo vệ lợi ích cho các bên.
Nếu IS thật sự tấn công máy bay Nga, đây sẽ là hướng đi mới của tổ chức này - Ảnh: Reuters |
Máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) ngày 31.10 sau khi cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh của Ai Cập đã rơi xuống vùng bán đảo Sinai. Tổng cộng 224 người trên máy bay thiệt mạng.
Vài giờ sau thảm kịch, thành viên của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Ai Cập lên tiếng nhận trách nhiệm, nói rằng đây là sự trả thù việc Nga can thiệp quân sự tại Syria. Tuy nhiên, tổ chức này không đề cập đến cách thức tiến hành ra sao, như bắn bằng tên lửa hay đặt bom.
Nghi vấn máy bay Nga bị khủng bố tất nhiên nằm trong những giả thuyết hàng đầu của các nhà điều tra, nhưng việc tìm ra nguyên nhân máy bay rơi chắc chắn sẽ không thể nhanh chóng, thậm chí nhiều năm sau nữa thì kết quả điều tra mới được công bố. Trong bối cảnh hiện nay, việc lèo lái truyền thông về nguyên nhân rơi máy bay Nga đang trở thành một kênh bảo vệ lợi ích cho các bên.
Đương nhiên, Nga và Ai Cập không hề mong muốn nguyên nhân từ khủng bố. Ngược lại, Mỹ và phương Tây rất rốt ráo công bố những suy đoán gần như khẳng định rằng máy bay Nga đã bị đặt bom, cũng như triển khai các hoạt động liên quan tới an toàn bay để thể hiện sự lo lắng của mình. Họ đang muốn người dân Nga phản đối chiến dịch không kích tại Syria của chính phủ Nga.
Ngày 4.11, Anh lên tiếng lo ngại chiếc máy bay Airbus có thể bị rơi vì một thiết bị nổ. Nước này cũng cho ngừng tất cả các chuyến bay đến sân bay Sharm el-Sheikh.
Tiếp đó, một quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói rằng nhiều mảnh vỡ từ thân máy bay Nga rơi rải rác trong phạm vi 20 km2 chứng tỏ có khả năng nổ bom trên máy bay, theo Foreign Policy.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói rằng máy bay bị đánh bom là khả năng rất cao và chính quyền Mỹ đang xem xét một cách nghiêm túc. CNN dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng có thể nhánh liên kết của IS tại Sinai đã thực hiện cuộc tấn công này.
Hiện trường máy bay Nga rơi tại bán đảo Sinai, Ai Cập - Ảnh: Reuters
|
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu thật sự IS đã cài bom lên máy bay Nga, thì đó sẽ được coi là sự chuyển mình về chiến lược tấn công của tổ chức cực đoan này, ganh đua với al-Qaeda để thực hiện một cuộc tấn công “lấy tiếng”.
Thực sự, IS tại Ai Cập là nhóm có cơ hội tốt nhất để xâm nhập vào sân bay Sharm el-Sheikh. Với việc chính quyền Ai Cập gây bất mãn cho nhiều người dân nước này, IS có thể lợi dụng điều đó, mua chuộc tay trong tại sân bay để lén đưa quả bom lên máy bay.
Cựu quan chức tình báo CIA Mỹ chuyên theo dõi các mối đe dọa khủng bố tại Trung Đông, ông Bruce Riedel, nói rằng việc đưa một quả bom lên máy bay tại sân bay Sharm el-Sheikh nằm trong khả năng của IS. “Mấu chốt là chỉ cần tìm một người để giao quả bom rồi sau đó xâm nhập lên máy bay. Sinai thì đầy những người bất mãn với chính phủ Ai Cập”, ông Riedel nói.
Tôn chỉ của IS trước nay tập trung vào việc chiếm cứ và giữ vững lãnh thổ để áp đặt chính sách cai trị của chúng tại đó chứ không giống như al-Qaeda chuyên thực hiện các vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn hoặc nhắm vào các mục tiêu nước ngoài, đặc biệt là phương Tây.
Tuy nhiên, tôn chỉ này có thể bắt đầu thay đổi với lý do trước hết là Nga tăng cường không kích tổ chức này tại Syria. Một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi theo bước al-Qaeda của IS là hôm 3.11, cơ quan chức năng Tây Ban Nha nói đã phá thành công một âm mưu tấn công của 3 phần tử IS người Morocco ngay tại thủ đô Madrid, tạp chí Foreign Policy của Mỹ cho hay. Năm 2004, một nhóm do al-Qaeda gợi ý đã đánh bom đoàn tàu tại Madrid khiến 191 người thiệt mạng.
Việc IS thực hiện vụ tấn công khủng bố thành công cũng là thất bại đối với lực lượng an ninh Ai Cập - Ảnh: Reuters
|
Cứ cho là IS đã thực hiện vụ tấn công gây ra thảm kịch này, thì đó sẽ là một chương mới cho thấy tổ chức này càng ngày càng nguy hiểm và không ai biết được chúng kiểm soát bao nhiêu vùng tại các nước khác ngoài Syria và Iraq. Ngoài ra, nếu việc IS đánh bom máy bay Nga là thật sẽ làm thay đổi chiến lược của Mỹ tại Syria và Iraq, vì Washington hẳn sẽ phải đề phòng IS vươn mình ở Ai Cập.
Và nếu IS đánh bom máy bay Nga là sự thật, điều đó thể hiện sự yếu kém của lực lượng an ninh Ai Cập. Hơn thế, nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế Ai Cập, vốn dựa vào ngành công nghiệp du lịch là chính. Ngành du lịch đóng góp 11,3% GDP và mang về 14,4% nguồn lợi nhuận ngoại tệ của Ai Cập trong năm 2014. Hãng thông tấn Interfax (Nga) cho biết lượng khách đặt tour Ai Cập của nước này giảm 50% vào ngày máy bay Nga rơi. Các hãng bay Lufthansa, Emirates, Air France đã ngừng các chuyến bay đến khu vực này. Ireland, Anh, Hà Lan và mới đây là Nga cũng ngưng các chuyến bay đến Ai Cập cho đến chừng nào xác định được nguyên nhân máy bay bị rơi.
Bình luận (0)