Kỳ thực, ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực của Pele không chỉ giới hạn trong vòng xã hội Brazil. Ông còn gây ảnh hưởng tích cực trên phạm vi toàn thế giới - mà không chỉ là thế giới bóng đá.
Năm 1967 là thời điểm đỉnh cao, rực rỡ nhất trong những tour du đấu liên tục, vòng quanh thế giới của CLB Santos. Họ đá khoảng 60 - 70 trận/năm, với tuyệt đại đa số hợp đồng thi đấu giao hữu đều có điều khoản Pele phải xuất hiện trên sân ít nhất 60 phút. Đó là vấn đề “kinh tế bóng đá” mà đến vài chục năm sau, làng bóng nhà nghề ở châu Âu mới tiếp bước. Cũng chỉ vài chục năm sau, giới khoa học bóng đá ở châu Âu mới bắt đầu bàn đến ngưỡng chịu đựng về số trận trong năm của một cầu thủ nhà nghề. Đó là lĩnh vực mà Pele và Santos “độc quyền” khai thác, xin nhắc lại là từ nửa thế kỷ trước!
Pele đã tạo nguồn cảm hứng đa dạng, lớn lao từ bóng đá |
Reuters |
“Tour vòng quanh châu Phi” vào tháng 1.1967 của Santos gồm các điểm đến tại Congo, Mozambique, Ghana, Algeria, Nigeria.
Một cuộc nội chiến, giữa chính quyền liên bang và bang Cộng hòa Biafra ở miền đông nam Nigeria, đã bùng nổ vài năm trước đó, đang đi đến giai đoạn vô cùng ác liệt vào năm 1967. Thế rồi, khi CLB Santos hạ cánh vào ngày 26.1.1967 để đá giao hữu với đội tuyển quốc gia Nigeria, mọi chuyện đã diễn ra trong hoàn cảnh thanh bình. Bởi trước đó 48 giờ, các phe liên quan đã ký hiệp định đình chiến. Sĩ quan quân đội cao cấp của bang Cộng hòa Biafra và chính quyền liên bang đều có mặt cùng lực lượng tinh nhuệ của họ ở sân vận động để đảm bảo an toàn cho bất cứ ai hiện diện tại đây, dù thuộc chủng tộc, phe phái nào. Trong 90 phút, chỉ có tình bạn và bóng đá để tận hưởng. Pele ghi 2 bàn và trận đấu kết thúc với tỷ số hòa. Rồi Pele và Santos lại lên đường du đấu. Và các phe tại Nigeria lại… quyết chiến với nhau.
Năm 1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng nói với Pele trong một sự kiện chính thức: “Xin tự giới thiệu, tôi là Ronald Reagan, Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng ông không phải giới thiệu, vì cả thế giới đều biết Pele là ai”.
“Cả thế giới” hẳn nhiên là gồm cả nước Mỹ. Trước đây, dân Mỹ coi như không biết, không thích, không chơi bóng đá. Họ đã có một thứ bóng đá riêng, gọi là “football kiểu Mỹ”. Và cái loại hình bóng đá mà cả thế giới đều say mê với tên gọi “football” thì người Mỹ gọi là “soccer”. Pele không chỉ sang Mỹ chơi bóng. Những gì ông làm khi gia nhập CLB New York Cosmos vào năm 1975 mang tính “truyền đạo” nhiều hơn là chơi bóng. Đến bây giờ thì Mỹ đang là đội tuyển đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng FIFA - cao hơn cả đội Đức lừng lẫy danh tiếng. Mỹ chỉ vắng mặt 1 lần ở đấu trường World Cup từ năm 1990 đến nay. Kỳ World Cup sắp tới (2026) sẽ là lần thứ hai Mỹ là đội chủ nhà. Pele chính là người góp công lớn nhất trong việc làm cho bóng đá thật sự “phủ sóng toàn cầu”. Không phải tự nhiên mà ông là người da đen đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí nổi tiếng Life - tạp chí có lúc đã đến tay 1/4 dân số nước Mỹ.
Pele là người góp công lớn nhất trong việc làm cho bóng đá thật sự “phủ sóng toàn cầu” |
reuters |
Bóng đá đỉnh cao là rất khác nhau, qua các thời đại khác nhau, điều này thì ai cũng biết. Vậy mà khi còn thi đấu, Pele đã làm những điều mà mãi đến bây giờ nhiều siêu sao hiện đại vẫn chưa làm được. Trong trận gặp Tiệp Khắc tại World Cup 1970, người ta phải xem lại băng ghi hình mới hiểu vì sao Pele sút như phá bóng… lên trời từ giữa sân. Khi ấy, Pele là người trong cuộc duy nhất phát hiện khung thành đối phương đang bị bỏ trống. Ông đã “đọc” được tình huống khi đối phương còn đang tấn công. Hoặc khi bóng bay vào lưới sau cú sút thần sầu của Carlos Alberto trong trận chung kết World Cup 1970, người xem mới hiểu ra được đường chuyền kiến tạo bậc thầy trước đó của Pele.
Sau này, tượng đài Johan Cruyff có câu bất hủ hay được trích dẫn: “Bóng đá là trò chơi đơn giản, nhưng chơi bóng một cách đơn giản là điều khó nhất”. Kỳ thực, Pele đã nói từ hàng chục năm trước đó: “Một đường chuyền chính xác luôn quan trọng hơn mọi pha lừa bóng lắt léo, phức tạp”. Đó cũng chỉ là nhắc qua vài chi tiết mang tính bóng đá - một trong rất nhiều khía cạnh mà Pele gây ảnh hưởng đến toàn cầu.
Bình luận (0)