Giá USD giảm mạnh trong tháng 8
Tỷ giá trung tâm tháng 8 giảm 31 đồng, xuống 24.224 đồng. Điều này đã giúp cho giá USD trong ngân hàng giảm nhiệt so với 6 tháng đầu năm và tháng 8 ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kết thúc tháng 8, giá USD trong ngân hàng giảm 370 đồng so với đầu tháng, tương đương mức đi xuống 1,45%. Giá USD xuống sát 25.000 đồng. Cuối tháng 8, Vietcombank mua vào 24.660 - 24.690 đồng, bán ra còn 25.030 đồng; ACB giảm xuống 24.680 - 24.700 đồng chiều mua vào, bán ra 25.040 đồng… Có thời điểm giá USD thủng cả mức 25.000 đồng.
Trong 2 tháng 7 và 8, giá USD giảm 440 đồng, tương đương 1,72%. Chính vì điều này đã khiến đồng đô la Mỹ giảm mức tăng giá so với đầu năm còn 610 đồng, tương đương mức đi lên gần 2,5%. Trong khi 6 tháng đầu năm, giá USD tăng 1.044 đồng, tương đương mức tăng 4,3%.
Các chuyên gia cho hay, giá USD trong nước đồng loạt giảm do sức mạnh đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế suy yếu. Việc kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất USD vào tháng 9 và kéo dài đến cuối năm khiến giá USD lao dốc. Ngoài ra, giá USD trong nước giảm còn đến từ việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế.
Trong những ngày cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền trên thị trường mở, trong khi chiều hút vào không có. Chẳng hạn, ngày 30.8, 7 thành viên được bơm gần 5.000 tỉ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,25%/năm. Với mức bơm tiền liên tục, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm từ 0,4 - 0,8%/năm trong tháng 8. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm còn 4,02%/năm, 1 tuần còn 4,34%/năm, 2 tuần còn 4,49%/năm, 1 tháng còn 4,51%/năm, 3 tháng còn 4,98%/năm…
Doanh nghiệp giảm bớt lỗ vì tỷ giá
Giá USD giảm đã bớt gánh nặng lỗ cho những doanh nghiệp vay ngoại tệ trước đó. Theo thống kê từ Công ty CP Chứng khoán BSC, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024 của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh bởi tác động của tỷ giá USD/VND. Nhiều doanh nghiệp vay nợ bằng USD lớn ghi nhận các khoản lỗ tỷ giá. Chẳng hạn, tính đến 30.6, Novaland (NVL) với khoản vay USD khoảng 17.927 tỉ đồng lỗ tỷ giá trong nửa đầu năm lên tới 834 tỉ đồng; HVN vay USD quy đổi ra 6.117 tỉ đồng, lỗ tỷ giá lên tới 1.224 tỉ đồng; POW vay 8.002 tỉ đồng lỗ 178 tỉ đồng; MWG vay 6.132 tỉ đồng lỗ 146 tỉ đồng; PC1 vay 3.862 tỉ đồng, lỗ 112 tỉ đồng; HPG vay 747 tỉ đồng lỗ 229 tỉ đồng…
BSC nhận định, với việc áp lực tỷ giá dự báo hạ nhiệt khi Fed tiến hành cắt giảm lãi suất, tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm sẽ được tiếp tục được hỗ trợ chủ yếu từ chi phí lãi vay giảm, giảm lỗ tỷ giá, tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý, chi phí lãi vay giảm mạnh tuy nhiên bù trừ với phần lỗ tỷ giá và chi phí tài chính khác. BSC cho rằng, yếu tố chi phí lãi vay giảm sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quý 3 và quý 4/2024, với bối cảnh chi phí lỗ tỷ giá sẽ suy giảm trong điều kiện tỷ giá hạ nhiệt.
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tỷ giá USD/VND đã giảm nhanh hơn so với kỳ vọng nhờ diễn biến suy yếu của đồng USD. Áp lực về nhu cầu USD tăng trở lại trong cuối quý 3 và đầu quý 4 cũng sẽ không gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. Mặc dù vậy, đội ngũ phân tích VDSC dự báo tỷ giá USD/VND cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 VND/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái.
Dù tỷ giá hạ nhiệt nhưng theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần có những ứng phó trong thời gian tới để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP).
Bình luận (0)