Sáng 10.11, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.182 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm trước. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá hầu như không thay đổi như Vietcombank vẫn duy trì giá giao dịch 23.060 - 23.270 đồng/USD... Riêng giá USD trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và tăng 70 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua, lên 23.200 - 23.280 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index đứng ở mức 92,77 điểm, tăng nhẹ so với ngày trước đó nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong 10 tuần qua. Hãng tin Reuters nhận định tỷ giá USD đã rơi xuống mức thấp nhất khi các nhà giao dịch quay sang đầu tư vào các loại tiền tệ rủi ro với kỳ vọng rằng Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Mỹ sẽ thúc đẩy thương mại thế giới và tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngược lại, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã đạt đỉnh 28 tháng với 1 USD đổi được 6,626 CNY, trong khi đồng đô la New Zealand tăng 0,6% lên mức cao nhất trong 19 tháng và đô la Úc cũng có mức cao nhất 7 tuần so với đồng bạc xanh...
Bên cạnh đó, ngày 9.11, hai công ty dược Pfizer và BioNTech tuyên bố loại vắc xin Covid-19 mà hai công ty này phát triển có hiệu quả phòng bệnh lên tới 90%. Thông tin tích cực được công bố sau nhiều tháng nỗ lực không ngừng nghỉ của các công ty dược và viện nghiên cứu nhằm tạo ra một loại vắc xin an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan. Điều này giúp các nhà đầu tư cổ phiếu trở nên lạc quan hơn, đẩy chỉ số Dow Jones và S&P 500 nhảy vọt trong ngày đầu tuần. Cổ phiếu của các hãng hàng không và các cổ phiếu liên quan đến đi lại khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9.11, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 834,57 điểm, tương đương 2,95% lên 29.157,97 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6 đến nay. Tương tự, chỉ số S&P 500 cộng thêm 1,17% lên 3.550,50 điểm và cũng đạt mức cao mọi thời đại. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại giảm 1,5% còn 11.713,78 điểm khi nhà đầu tư bán các cổ phiếu công nghệ...
Bình luận (0)