Ngày 13.8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm tỷ giá trung tâm 7 đồng/USD, xuống 23.145 đồng/USD, đây là ngày thứ 3 liên tiếp tỷ giá trung tâm sụt giảm tổng cộng 42 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng ngày 12.8, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.808 đồng/USD, giảm 2 đồng. Các ngân hàng thương mại gần như không thay đổi mức giá USD so với ngày trước đó, Vietcombank mua vào với giá 22.680 - 22.710 đồng/USD và bán ra 22.910 đồng/USD; Eximbank giảm giá mua USD tiền mặt 10 đồng, xuống còn 22.700 đồng/USD nhưng mua chuyển khoản giữ ở mức 22.720 đồng/USD và bán ra 22.880 đồng/USD… Chênh lệch giá mua và bán USD vẫn giữ 160 đồng/USD.
Giá mua USD tự do tăng 15 đồng, lên 23.150 đồng/USD nhưng ngược lại, ở chiều bán ra lại giảm 5 đồng/USD, xuống còn 23.150 đồng/USD. Đồng bạc xanh tiếp tục sụt giảm dù nhu cầu USD cho thanh toán hàng hóa nhập khẩu cao hơn. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã công bố cán cân thương mại hàng hóa cả nước tháng 7 thâm hụt 1,25 tỉ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7 thâm hụt 2,41 tỉ USD.
Trên thị trường quốc tế, giá USD tăng nhẹ, chỉ số USD-Index tăng 0,08 điểm, lên 92,97 điểm. Một số thông tin kinh tế Mỹ công bố khả quan khiến nhà đầu tư chuyển dịch dòng tiền từ kênh an toàn USD sang chứng khoán. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 7.8 ở mức 375.000 đơn, giảm nhẹ từ mức 385.000 đơn của tuần trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước Mỹ cùng tăng 1% trong tháng 7, cao hơn so với mức tăng lần lượt là 0,6% và 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, PPI toàn phần tăng 7,7% và PPI lõi tăng 6,2%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vượt đỉnh, cụ thể chỉ số Dow Jones tăng 14,88 điểm, tương đương 0,04%, lên 35.499,85 điểm, vượt đỉnh lịch sử 35.484,97 điểm ngày 11.8; S&P 500 tăng 13,13 điểm, tương đương 0,3%, lên 4.460,83 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.447,7 điểm ngày 11.8; còn Nasdaq tăng 51,13 điểm, tương đương 0,35%, lên 14.816,26 điểm.
Bình luận (0)