Ngày 29.4, Eximbank tăng giá bán USD 80 đồng, lên 23.680 đồng; trong khi mua vào giảm mạnh 100 đồng, xuống còn 23.120 - 23.200 đồng. Trong khi đó, Vietcombank vẫn giữ giá USD, mua vào ở mức 23.260 - 23.290 đồng, bán ra 23.630 đồng. Giá mua USD của các ngân hàng thương mại thấp hơn Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước 160 - 330 đồng. Giá USD trên thị trường tự do tiếp tục đi xuống thêm 10 đồng, mua vào còn 23.410 đồng, bán ra 23.460 đồng.
Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần (từ 17 - 21.4) đạt khoảng 297.820 tỉ đồng, bình quân 59.564 tỉ đồng/ngày, giảm 779 tỉ đồng/ngày so với tuần trước đó. Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt 79% và 13%. Lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần tương đối ổn định, dao động nhẹ xung quanh mức lãi suất của tuần trước. Cụ thể, lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giữ ở mức 4,62%/năm, 4,65%/năm và 5,01%/năm.
Đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế không giữ được mức tăng, chỉ số USD-Index sau khi tăng lên 102 điểm đã giảm về lại mức 101,5 điểm. Mỹ công bố thông tin kinh tế có ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong tuần tới. Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) công bố Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3 cho thấy, lạm phát vẫn tăng nhưng mức tăng đang chậm lại trên cơ sở hàng tháng và hàng năm. PCE chỉ tăng 0,1% theo tháng và 4,2% so với năm.
PCE cốt lõi tăng 0,3% so với tháng trước và 4,6% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,1% so với 4,7% trong tháng 2. PCE cốt lõi không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Các nhà kinh tế đã dự đoán PCE cốt lõi sẽ thấp hơn so với năm trước với chỉ số 4,5%. Báo cáo này làm tăng nhẹ xác suất bằng công cụ FedWatch của CME, rằng Fed sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp bằng cách tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp tuần tới. Xác suất tăng lãi suất 0,25% đã tăng từ 83,9% lên 85%.
Bình luận (0)