Sáng 30.7, giá USD tại ngân hàng Eximbank mua vào 23.460 đồng và bán ra 23.850 đồng, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, Vietcombank cộng thêm 40 đồng sau một tuần, đưa giá mua USD lên 23.490 đồng và bán ra 23.860 đồng...
Ngược lại, giá euro tiếp đà đi xuống như Vietcombank mua vào 25.304 đồng và bán ra 26.721 đồng, giảm 335 - 354 đồng so với cuối tuần trước. Trong khi đó, đồng yen Nhật tăng trở lại khi Vietcombank mua vào 165,52 đồng và bán ra 175,22 đồng, tăng 3,6 đồng sau một tuần.
Giá USD quốc tế trong tuần tiếp tục xu hướng tăng khi chỉ số USD-Index đạt 101,7 điểm, cộng thêm 0,62 điểm so với cuối tuần trước.
Đồng USD được hỗ trợ tốt bởi dữ liệu vĩ mô lạc quan của Mỹ. Một chuỗi dữ liệu mạnh mẽ gần đây cho thấy, hiện tại Mỹ đang ngăn chặn suy thoái kinh tế, làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất hơn nữa nếu họ tiếp tục thấy các số liệu kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng. Ngoài việc chỉ số lạm phát tăng thấp, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu (trong tuần kết thúc ngày 22.7) giảm xuống mức 221.000 - mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Trong khi đó, đồng euro lại bị áp lực đi xuống khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không đưa ra bất kỳ định hướng rõ ràng nào về các động thái sắp tới sau khi nâng lãi suất thêm 0,25% vào 27.7. Hiện lãi suất tiền gửi mà ECB trả cho các ngân hàng từ 3,50% lên 3,75% - là mức cao nhất kể từ năm 2000.
Đồng yên Nhật đi lên khi có nhận định cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Theo các phương tiện truyền thông, BoJ đang xem xét cho phép lãi suất thả nổi vượt mức trần theo cách có kiểm soát và dần dần. Theo Bloomberg, thông tin này đã gây ra cú sốc quy mô nhỏ trên khắp các thị trường tài chính của Mỹ vào ngày 27.7 như lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ nhảy vọt (lợi suất diễn biến ngược chiều với giá trái phiếu), đồng yen lên giá và đà tăng mạnh mẽ của chỉ số S&P 500 đã nhanh chóng đảo chiều...
Bình luận