Đầu ngày hôm nay (30.3), tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.230 đồng/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần qua. Tuy nhiên, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại hầu như chưa thay đổi. Vietcombank vẫn giữ nguyên tỷ giá USD ở mức 23.510 - 23.700 đồng/USD. Eximbank giao dịch mức 23.530 - 23.770 đồng/USD...
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index đang ở mức 98,53 điểm và chưa thể tăng trở lại. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,35% xuống 1,1098 và tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,25% xuống 1,2429.
Tuần này, tỷ giá USD có thể bị tác động khi số liệu PMI sản xuất và dịch vụ từ các báo cáo của ISM và Markit nêu rõ các tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế. Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp cho tháng 3 được ước tính ở mức 100.000, mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Các dữ liệu kinh tế tháng 3 được công bố sẽ cung cấp cho các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư một bức tranh rõ ràng hơn về tác động của đại dịch lên thị trường tài chính. Một loạt dữ liệu liên quan đến người tiêu dùng cũng sẽ được công bố, điều này sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi hơn 80% nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào hoạt động tiêu dùng...
Trong nước, theo báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS), trong tháng 3 và tháng 4 tới, dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ hạ khi nhiều nhóm hàng hóa giảm giá bao gồm xăng dầu (giảm do giá thế giới giảm), thực phẩm giảm giá (do nguồn cung thịt lợn phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp). Do đó, mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp, qua đó làm giảm áp lực lên VND. Dù yếu tố lạm phát vẫn còn song MBS đánh giá mức lạm phát tại Việt Nam có khả năng giảm về dưới 3,5% trong năm 2020. MBS dự báo VND sẽ chỉ mất giá khoảng 2%/năm so với đầu năm.
Bình luận (0)