Giá USD tăng cao, áp lực tỷ giá đè doanh nghiệp

27/10/2022 06:29 GMT+7

Các năm trước đây, giá đồng bạc xanh chỉ tăng tầm 2 - 3% nhưng nay lên gần 10%, hướng tới mốc kỷ lục. Giá USD tăng nóng khiến nhiều doanh nghiệp bật ngửa vì lỗ.

Tỷ giá tăng kỷ lục, lãi suất lên 9,3%/năm

Ngày 26.10, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng (NH) giảm nhẹ khoảng 10 - 15 đồng, xuống còn 24.848 đồng/USD. NH Nhà nước (NHNN) cũng giảm tỷ giá trung tâm 5 đồng, xuống còn 23.698 đồng/USD khiến các NH thương mại phải giảm giá USD xuống. Tuy nhiên, đa số các nhà băng vẫn đẩy giá USD lên sát trần, đồng thời tăng giá mua USD thêm 10 đồng. Tại Eximbank, giá mua USD lên 24.680 - 24.700 đồng, bán ra ở mức 24.880 đồng. Vietcombank mua USD với giá 24.572 - 24.602 đồng, bán ra lên trần 24.882 đồng…

Giá USD liên tục tăng khiến các doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận

Ngọc Thắng

Giá đồng bạc xanh tăng nóng trong thời gian gần đây và liên tục lập các mức lịch sử. Chỉ trong một tuần qua, giá USD trong NH đã tăng khoảng 1,65% và so với cuối năm đã tăng 9%. Riêng trong vòng 52 tuần qua, giá đồng bạc xanh đã tăng 9,8%, vượt qua cả mức lãi suất tiền đồng kỳ hạn dài hạn.

Trong ngày 26.10, nhiều NH thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất tiền đồng từ 0,5 - 1%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về NH TMCP Sài Gòn (SCB) với 9,3%/năm ở kỳ hạn 15 tháng trở lên ở tiền gửi tiết kiệm online. Các kỳ hạn còn lại cũng ở mức cao, như kỳ hạn 12 tháng lên 9,15%, 6 tháng lên 8,7%/năm, dưới 6 tháng lãi suất đụng trần 6%/năm.

Một số NH khác như NH TMCP Bản Việt điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng lên 7,6 - 8,1%/năm; 12 tháng lên 8,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 8,9%/năm thuộc về các kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng đến nay đã tăng lên đến 8,9%/năm. NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tăng lãi suất lên mức cao nhất 7,5%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, 12 tháng ở mức 7,3%/năm, 6 tháng lên 7%/năm…

Theo các chuyên gia, dù NHNN đã tăng lãi suất điều hành thêm 1% nhưng sức nóng của tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt.

Doanh nghiệp gồng mình vì tỷ giá

Giá USD liên tục tăng từ những tháng qua khiến các doanh nghiệp (DN) sụt giảm lợi nhuận và khá lo lắng cho hoạt động sắp tới. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc chuỗi siêu thị Hải sản Hoàng Gia, cho biết mỗi tháng công ty nhập khẩu hải sản từ gần 10 nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc… Các hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng USD và một số ít thanh toán bằng đô la Canada. Vì vậy, khi tỷ giá USD/VND thay đổi là tác động ngay đến kết quả kinh doanh của công ty.

Ông nêu ví dụ: Cứ 1 triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây chỉ trả khoảng 23 tỉ đồng thì nay đã chi lên hơn 25,3 tỉ đồng. Ước tính mỗi tháng công ty ông phải mất thêm vài tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, công ty chưa dám điều chỉnh tăng giá bán ra trong nước vì sức mua tương đối thấp.

“Công ty đã thương lượng với các đối tác để đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ cả hai bên như giảm giá hàng hóa, chuyển sang thanh toán bằng ngoại tệ khác thay vì chỉ tập trung vào USD. Tuy nhiên, không phải đối tác nào cũng đồng ý. Tính chung giá hàng hóa nhập về VN đã tăng cao hơn trước, nhưng trong tình hình hiện nay không phải đơn giản là mình tăng giá bán ra được. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải gồng gánh phần chi phí tăng thêm khi giá USD tăng cao”, ông Trần Văn Trường chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Vi Thiên Trung, Giám đốc Công ty An Vi F&B, nhận định: Giá USD đi lên sẽ tác động đến tất cả DN nhập khẩu hàng hóa vì hầu như đa số đều ký hợp đồng thanh toán bằng USD. Đáng nói, chi phí tỷ giá tăng cao nhưng sức mua tại thị trường VN cũng có dấu hiệu sụt giảm khi người dân có tâm lý phòng thủ nhiều hơn. Vì vậy, công ty đang phải gánh chịu tình trạng lợi nhuận lao dốc. An Vi F&B đang tích cực đàm phán với đối tác để đề nghị giảm giá hàng hóa hoặc tăng chiết khấu cho các đơn hàng mới nhằm bù vào một phần do giá USD lên cao…

Nhiều DN khác cũng cho thấy chi phí tài chính đã tăng cao, trong đó do lỗ vì chênh lệch tỷ giá. Ví dụ, báo cáo từ Công ty CP Sợi Thế Kỷ cho thấy lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước và nguyên nhân chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá. Tính chung 9 tháng năm 2022, chi phí tài chính của công ty gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước, lên 36 tỉ đồng.

Trong đó, riêng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện gần 16 tỉ đồng và phần lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện lên hơn 14,5 tỉ đồng. Riêng các DN vay USD hiện nay là đứng ngồi không yên. Từ vài năm trở lại đây, vay ngoại tệ có lãi suất ở mức 3 - 6%/năm, chỉ bằng một nửa lãi suất vay tiền đồng. Nhờ tỷ giá ổn định nên các DN vay ngoại tệ có ưu thế hơn. Thế nhưng trong những tháng qua, giá USD tăng khá mạnh. Những hợp đồng kỳ hạn 1 năm gần như thiệt hại kép từ lãi suất và tỷ giá cộng lại lên cao.

Tại báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng việc mở rộng biên độ tỷ giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các DN vay nợ ngoại tệ lớn như ngành thép, hàng không, điện... Cụ thể, ngành hàng không chịu nhiều tác động tiêu cực nhất do thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí và phải trả bằng USD, trong khi doanh thu quốc tế vẫn chưa trở lại kể từ sau đại dịch. Kế đến là ngành thép cũng chịu ảnh hưởng gặp bất lợi do nguyên liệu được nhập tính bằng USD, một số khoản nợ cũng bằng USD. Ngược lại ngành thủy sản, hóa chất và bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi…

Việc tăng tỷ giá cũng tác động đến các DN trong nước bởi kinh tế VN là một nền kinh tế có độ mở rất cao, xuất nhập khẩu chiếm tới 200% tổng GDP của nền kinh tế. Nhìn vào các DN niêm yết trên sàn, khi tỷ giá tăng 1% ước tính sẽ làm giảm lợi nhuận của DN niêm yết khoảng 1 - 2%...

Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.