Sáng 16.3, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 79 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng so với hôm qua nhưng chiều bán ra lại tăng 100.000 đồng, lên 81,5 triệu. Điều này đưa chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC tăng trở lại lên 2,5 triệu đồng một lượng thay vì mức 2 triệu đồng như vài ngày trước. Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 tại SJC cũng giảm 50.000 đồng, đưa giá mua xuống 67,65 triệu đồng và giảm 100.000 đồng ở chiều bán, xuống 68,85 triệu đồng.
Giá vàng thế giới xuống 2.156,7 USD/ounce, giảm gần 8 USD so với hôm qua. Trong tuần này, báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 của Mỹ cao hơn tháng 1 và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 2 tăng hơn dự báo cho thấy lạm phát vẫn còn là vấn đề nhức nhối với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này sẽ gây áp lực để đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng gần 20 điểm cơ bản lên 4,2786% trong tuần và chỉ số USD-Index tăng khoảng 0,7%. Đồng USD mạnh hơn khiến vàng đi xuống.
Hiện nhà đầu tư chờ cuộc họp chính sách của Fed kéo dài 2 ngày 19 - 20.3 và hầu hết dự báo ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này.
Theo CNBC, lạm phát cao hơn dự báo duy trì áp lực buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao, qua đó gây áp lực lên vàng. Kim loại quý không đem lại lợi suất cũng được sử dụng như một kênh phòng ngừa lạm phát. Theo công cụ CME FedWatcth, nhà đầu tư tiếp tục dự báo khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 6, mặc dù xác suất đã giảm từ 72% trước khi có dữ liệu CPI xuống còn 59%.
Một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu về vàng của các nhà đầu tư cá nhân và ngân hàng trung ương các nước (ngoại trừ phương Tây) sẽ vẫn lớn. Bên cạnh đó, các tin tức liên quan đến triển vọng giảm lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng...
Bình luận (0)