Sáng 20.1, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào là 61,3 triệu đồng/lượng và bán ra 61,9 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tương tự, ngân hàng Eximbank cũng tăng giá vàng miếng SJC 150.000 đồng mỗi lượng, đưa chiều mua lên 61,35 triệu đồng/lượng, chiều bán lên 61,75 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC tăng sát 62 triệu đồng/lượng |
Độc lập |
Giá vàng thế giới bật tăng cao trở lại khi đạt 1.840,3 USD/ounce, tăng 27 USD so với sáng hôm qua. Ông Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA, cho biết vàng đang có sự bứt phá về kỹ thuật sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ suy yếu và tiếp tục giao dịch trong phạm vi 1.800 - 1.840 USD cho đến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào tuần tới. Ông Moya cho biết thêm rằng giá vàng cũng nhận được hỗ trợ từ những căng thẳng địa chính trị xoay quanh vấn đề Ukraine và Trung Đông.
Kim loại quý gia tăng trở lại còn do lạm phát đi lên và nhu cầu đối với vàng vật chất tăng ở nhiều thị trường chủ chốt. Chẳng hạn tại Anh, lạm phát trong tháng 12.2021 lên mức 5,4%, cao hơn ước tính 5,2% của các nhà kinh tế và là mức cao nhất trong gần 30 năm khi chi phí năng lượng tăng, nhu cầu tăng vọt và các vấn đề của chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy tăng giá cả tiêu dùng. Điều này cũng khiến trong tháng 12.2021, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Lạm phát tại Mỹ cũng ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất...
Lạm phát đang trở thành vấn đề mà giới đầu tư quan tâm hàng đầu và là yếu tố đẩy giá vàng tăng nhanh, bất chấp đồng USD cũng tăng trở lại. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với kim loại quý ở một số thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới như Ấn Độ được duy trì ở mức cao. Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý 4/2021 tại Ấn Độ tăng mạnh do có nhiều lễ hội và là thời điểm mùa cưới ở nước này.
Bình luận (0)