Mua vàng từ lỗ tới bị 'móc túi': Hàng trăm tấn vàng 'bất động'

17/01/2022 11:52 GMT+7

Nếu như vàng miếng SJC thoát ly giá thế giới , vàng tài khoản giở đủ các chiêu trò móc túi người chơi thì vàng nhẫn nhận được sự tin cậy của rất nhiều người. Thế nhưng ở góc độ đầu tư thì loại vàng này lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Tích trữ "ok", đầu tư thì khó

Hiện giá vàng nhẫn SJC khoảng 52 triệu đồng/lượng, thấp hơn 9 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng của chính thương hiệu này. So với đầu năm 2021, khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đã kéo lên gấp 3 lần. Còn so với giá vàng thế giới quy đổi gần 50 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn đang ở mức có thể chấp nhận được. Hợp pháp, bám sát giá thế giới, mua bán dễ dàng (vàng miếng SJC phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước mới được kinh doanh) nên vàng nhẫn vẫn có đất sống.

So với đầu năm 2021, khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đã kéo lên gấp 3 lần

ngọc thắng

Đặc biệt, loại vàng này có một thị phần khách riêng rất lớn là các nhân viên văn phòng, công nhân, người lao động... thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng hay vài tháng, họ trích một phần từ lương, thưởng mua chỉ vàng "bỏ ống" phòng cơ tích trữ. Cũng từ nhu cầu đó, vàng nhẫn hình thành một mạng lưới phân phối lớn, len lỏi khắp nơi. Thế nên dù thị trường vàng trải qua nhiều giai đoạn thăng - trầm, vàng nhẫn vẫn có sức sống mãnh liệt. Chị H.Đ, một công nhân làm việc tại TP.HCM cho biết, thu nhập của 2 vợ chồng chị bình quân 1 tháng từ 15 - 18 triệu đồng. Nếu không có phát sinh lớn như ốm đau bệnh tật, mỗi tháng chị sẽ mua chiếc nhẫn 1 chỉ bỏ ống. "Khi cần chỉ cần mang ra tiệm vàng đầu đường bán lấy tiền. Chứ gởi tiết kiệm, lúc gấp gáp, phải ra ngân hàng rút, mất nhiều thời gian" - chị H.Đ nói. Với những người lớn tuổi vẫn giữ "tình yêu" với kim loại quý thì vàng miếng lại càng không có cửa với vàng nhẫn. "Cũng một chỉ vàng, cái 5,2 triệu đồng, cái 6,2 triệu đồng, đắt hơn cả 1 triệu đồng nên cái nào rẻ thì tôi mua thôi" - bà K.V (Nhà Bè, TP.HCM) dứt khoát. Bà V. đeo trên người có đến cả vài lượng vàng. 8 ngón tay nhẫn to nhẫn nhỏ. 2 cổ tay lắc lớn lắc bé chưa kể đôi bông nặng trĩu, kéo cả cái dái tai xuống một đoạn. "Tháng tết đắt hàng, tôi đổi đôi bông lớn hơn" - bà nói còn tôi tự hỏi, không hiểu đôi tai của bà có thể chịu sức nặng đến bao nhiêu. Đó cũng là hình ảnh chị Hồng (Q.7, TP.HCM) làm nghề tạp vụ tại một nhà hàng và làm thêm giúp việc. Thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng, chị chơi hụi để giữ tiền. Hốt hụi, chị lại mua vàng đeo đầy người. Chỉ khổ mỗi lần ra đường, chị phải quấn kín từ đầu đến chân vì sợ bị giựt. Những người như chị Đ, bà V, chị Hồng có hàng ngàn, hàng vạn. Chẳng thế mà lần bùng phát dịch thứ 4 vừa rồi tại TP.HCM, các chủ tiệm vàng đều dự phòng tiền mặt để "đổi" cho bà con. Thực tế diễn ra đúng như vậy. Chỉ có điều, nhu cầu cao đến không ngờ. Nhiều cửa hàng "cháy" tiền mặt chỉ trong 1 - 2 ngày đầu do quá nhiều người bán vàng lấy tiền chi tiêu. Ở góc độ tiết kiệm, tích trữ, vị thế của vàng nhẫn là vô đối. "Vàng vẫn thích hợp với đa số người có thu nhập trung bình và thấp. Đại đa số người lao động không ai có tiền mua 1 cây vàng SJC hơn 61 triệu đồng cả, nhưng mua vài chỉ hơn 5 triệu đồng/chỉ thì hoàn toàn hợp lý"- ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ lí giải.

Ưu điểm, ưu thế có đủ nhưng giới đầu tư lại khó chuyển từ vàng miếng sang vàng nhẫn. "Cô nghĩ đi, ví như tôi đầu tư 5 - 6 lượng vàng miếng thì rất gọn, gần ký vàng cột lại chỉ một khúc nhỏ. Còn vàng nhẫn thì khó quá, nó rất cồng kềnh, bất tiện và rủi ro" - ông Trần Thanh Hải giơ 2 ngón tay đo vào không khí khi giải thích về việc tại sao giới đầu tư không chuyển từ vàng miếng SJC đắt đỏ sang vàng nhẫn giá hợp lý hơn. Một lý do nữa bất lợi cho vàng nhẫn đó là khâu kiểm định. Chất lượng không đồng nhất nên giao dịch phải kiểm định mất thời gian, chẳng may không đạt thì không chỉ lỗ vì giá mà còn lỗ vì chất lượng. Bấy nhiêu thôi đã đủ rủi ro và phiền phức. Đó là lý do, vàng nhẫn dù bám sát giá thế giới, hợp pháp, dễ mua bán nhưng vẫn bị loại khỏi kênh đầu tư.

Thói quen, văn hóa tích trữ vàng nên rất nhiều những ước đoán về lượng vàng trong dân được đưa ra suốt thời gian qua

ngọc thắng

Có bao nhiêu tấn vàng trong tủ nhà dân?

Thói quen, văn hóa tích trữ vàng nên rất nhiều những ước đoán về lượng vàng trong dân được đưa ra suốt thời gian qua. Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam năm 2016, lượng vàng trong dân khoảng 500 tấn, tương đương hơn 20 tỉ USD (tính giá vàng 61 triệu đồng/lượng). Hàng thập kỷ qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và rất nhiều ý kiến lên tiếng đề xuất tìm cách khơi thông nguồn vốn khổng lồ này nhưng đến tận bây giờ, các đề xuất vẫn chỉ nằm trên giấy. Gắn bó với vàng tới gần 3 thập kỷ, là người ủng hộ khơi thông số vàng này bởi theo ông Trần Thanh Hải, để số vàng này bất động trong sự biến động của vàng thế giới là rất uổng phí. "Lúc nó cao, mình không tận dụng được mà khi nó thấp, mình cũng mặc kệ thì một tài sản rất lớn của xã hội bị giảm sút. Ở góc độ quản lý, như vậy là không phù hợp" - ông Hải nói, giọng không giấu giếm sự tiếc rẻ và lập luận: "Vàng vẫn là kênh mà nhân loại chọn lựa trên 3.000 năm nay. Hầu hết các ngân hàng trung ương đều có dự trữ vàng trong tài khoản. Dự trữ vàng là một phương tiện đầu tư, đầu cơ, tích trữ. Chúng ta chống đầu cơ, nhưng dưới phương tiện cất giữ, đầu tư thì Nhà nước nên quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người dân và xã hội". Theo ông Hải, để khơi thông được thì cần một cơ chế huy động nhưng không theo kiểu cũ, gởi vàng có lãi vì sẽ dẫn đến vàng hóa nền kinh tế mà chúng ta mất rất nhiều thời gian để giải quyết hậu quả.

"Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước phát hành ETF bằng vàng (một loại hình quỹ mở, có danh mục đầu tư chủ yếu là vàng nguyên liệu) với lãi tượng trưng cực thấp, rồi ủy quyền cho ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện. Từ đó, chúng ta có thể sử dụng ETF làm tài sản thế chấp để phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Nếu có vàng bảo đảm chúng ta sẽ được lãi suất thấp hơn rất nhiều. Chênh lệch vài % lãi suất trái phiếu quốc tế thôi là một vô cùng lớn. Lấy cái đó bù lại cho dân, 0,5 - 1% cho hợp lý" - ông Hải đề xuất.

Cũng theo ông Hải, nên phải đưa thị trường vàng nữ trang (trong đó có vàng nhẫn) về Bộ Công thương quản lý để thị trường này hoạt động bình thường như các loại hàng hóa khác. "Nó giống như mua lon sữa, ly cà phê vì nó phục vụ cho đại đa số. Nó chạy sát theo giá thế giới, các tiệm vàng được quyền mua bán hợp pháp không phải sợ, không phải tăng chi phí cho nhiều khâu. Như vậy, có phải là thị trường vàng trở về đúng ý nghĩa là một phương tiện đầu tư, cất trữ và phục vụ cho đại đa số không?" - ông Hải nhấn mạnh.

Còn cứ để như hiện nay thì vàng nhẫn sẽ tiếp tục một năm ảm đạm như năm 2021. Năm mà theo ông Trần Thanh Hải nhận xét "cả thị trường thất bại". Các doanh nghiệp kinh doanh vàng không có hiệu quả cao. Các thương hiệu lớn nhất trong ngành lợi nhuận không đến từ vàng nhẫn. Các tiệm vàng doanh số dưới mức trung bình, một số cửa hiệu nhỏ có khả năng bị lỗ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.