Sáng 3.2, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 75,8 triệu đồng/lượng và bán ra 78,3 triệu đồng. So với hôm qua, SJC giảm 400.000 đồng ở chiều mua và giảm 200.000 đồng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC hiện ở mức 2,5 triệu đồng một lượng dù giao dịch thấp.
Biến động vàng ngày 2.2 : Nhu cầu kỷ lục đẩy giá vàng lên mức cao nhất lịch sử
Riêng vàng nhẫn SJC được mua vào 63,2 triệu đồng, bán ra 64,4 triệu đồng, giảm 100.000 đồng. Chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn SJC được duy trì ở mức 1,2 triệu đồng.
Giá vàng thế giới quay đầu đi xuống 2.039,7 USD/ounce, giảm 16 USD sau một ngày. Kim loại quý sụt giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự báo.
Hôm qua, báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy nước này có thêm 353.000 việc làm trong tháng 1.2024 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%, cao hơn dự báo từ các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones trước đó. Ngoài ra, số liệu việc làm tháng 12.2023 cũng được điều chỉnh tăng lên 333.000, tức tăng thêm 117.000 việc làm so với ước tính ban đầu. Con số tháng 11.2023 cũng được điều chỉnh tăng thêm 9.000 lên 182.000 việc làm.
Báo cáo trên cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc và góp phần đẩy lùi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm giảm lãi suất vào tháng 3 tới.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng giao dịch vàng năm 2023 ở mức 4.899 tấn, cao hơn con số 4.741 tấn của năm 2022, trong đó có tính cả các giao dịch OTC và sự thay đổi về hàng tồn kho ở các sàn hàng hóa. Yếu tố chi phối nhu cầu vàng trong năm 2023 là các cuộc xung đột Nga - Ukrane, Israel - Hamas, cũng như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Báo cáo cũng cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) là bên mua vàng lớn nhất trong năm 2023, với 225 tấn. Cuối năm 2023, lượng dự trữ vàng của họ đã tăng lên 2.235 tấn.
WGC dự báo lượng mua vàng trong năm nay nhiều khả năng sẽ không bằng năm 2023, nhưng nếu lạm phát hạ nhiệt thì nhu cầu vàng sẽ không giảm quá mạnh...
Bình luận (0)