Giá vàng lập đỉnh mới

Thanh Xuân
Thanh Xuân
18/07/2024 06:18 GMT+7

Giá vàng thế giới tăng mạnh, lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Giá vàng miếng SJC tiếp tục đứng yên và chỉ còn cao hơn thế giới 1 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn tăng mạnh.

Vàng nhẫn bỏ xa vàng miếng SJC

Ngày 17.7, giá bán vàng miếng SJC tiếp tục đứng bất động ở mức 76,98 triệu đồng, ghi nhận tuần thứ 6 liên tiếp không thay đổi. Tuy nhiên, ở chiều mua, các đơn vị kinh doanh tăng thêm 500.000 đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 75,98 triệu đồng, Tập đoàn Doji lên 76 triệu đồng… Điều này khiến giá bán vàng miếng chỉ còn cao hơn giá mua 1 triệu đồng/lượng, thay vì trước đó là từ 2 - 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng lập đỉnh mới- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC thấp hơn vàng nhẫn

Thanh Xuân

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 biến động liên tục ở mức cao. Sáng 17.7, các đơn vị kinh doanh vàng tăng giá vàng nhẫn từ 360.000 - 900.000 đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 76,46 triệu đồng, bán ra 77,76 triệu đồng. Tập đoàn Doji tăng giá 76,7 triệu đồng chiều mua vào, bán ra lên 77,9 triệu đồng, đây là mức cao nhất của vàng nhẫn từ trước đến nay. Riêng tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn ngang bằng vàng miếng SJC, mua vào ở mức 75,98 triệu đồng, bán ra 76,98 triệu đồng. Mức giá này được Công ty SJC duy trì trong suốt ngày 17.7. 

Tới buổi chiều, giá vàng nhẫn giảm nhẹ so với buổi sáng từ 100.000 - 130.000 đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào xuống còn 75,73 triệu đồng, bán ra 77,43 triệu đồng. Tập đoàn Doji cũng giảm giá mua vào xuống 76,45 triệu đồng, bán ra còn 77,7 triệu đồng… Với mức giá 77,9 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn vẫn chưa thể chạm tới kỷ lục trước đó là 78,6 triệu đồng/lượng thiết lập hôm 10.4.2024. Như vậy, giá vàng nhẫn đang cao hơn vàng miếng SJC từ 400.000 - 700.000 đồng mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn biến động do ảnh hưởng bởi giá vàng quốc tế. Chiều 17.7, giá thế giới tăng 32 USD/ounce, lên 2.473 USD/ounce, có thời điểm trong ngày kim loại quý lên mức cao nhất mọi thời đại, ở mức 2.482 USD/ounce. Điều này giúp chênh lệch giá trong và ngoài nước được rút ngắn. Cụ thể, giá vàng miếng SJC chỉ còn đắt hơn thế giới 780.000 đồng mỗi lượng, trong khi đó vàng nhẫn cao hơn 1,5 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên thương hiệu vàng quốc gia, vàng miếng SJC rẻ hơn so với vàng 4 số 9.

So với đầu tháng 7, giá vàng nhẫn hiện nay đã tăng 1,3 triệu đồng/lượng, một mức lời quá hấp dẫn trong bối cảnh các kênh đầu tư đều khó khăn. Thế nhưng, rất nhiều người không thể "làm bàn" vì khan hiếm, khó mua. Chị H.A (Q.7, TP.HCM) tiếc hùi hụi vì cách đây 1 tháng muốn mua vàng nhưng không thể mua được khi các công ty kinh doanh vàng bán hạn chế. Chẳng hạn, Công ty PNJ không bán nhẫn trơn 4 số 9, Công ty SJC bán cho mỗi cá nhân hay doanh nghiệp cũng chỉ 1 chỉ, còn Tập đoàn Doji thì nhận đặt cọc 100% giá rồi 10 ngày sau giao hàng.

Mặc dù ở mức giá cao nhưng thị trường giao dịch không mấy sôi động. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho hay các đơn vị kinh doanh vẫn đang bán vàng nhẫn một cách hạn chế. Kể cả vàng miếng SJC bình ổn cũng được kiểm soát. Chính vì vậy mà nhu cầu mua vàng trên thị trường cũng sụt giảm. Thế nhưng chính vì mua khó nên những người đang nắm giữ vàng hiện nay cũng không có ý định bán ra.

Dự báo giá vàng còn tăng

Với tốc độ tăng khá nhanh của vàng thế giới, nhiều dự báo giá vàng nhẫn trong thời gian tới sẽ lập mức kỷ lục mới. Ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng đợt tăng giá lần này đến từ thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ, có thể sẽ giảm ít nhất 2 lần lãi suất trong năm nay. Một số chuyên gia trên thế giới nhận định những thông tin lạm phát Mỹ đã giảm đủ để trở lại mục tiêu dài hạn 2% của Fed, điều kiện đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 7, đã đưa vàng đã bước vào kênh tăng giá. Bên cạnh đó, các thông tin địa chính trị trên thế giới, lãi suất USD tại Mỹ trong ngắn và trung hạn đều đang trong xu hướng hỗ trợ cho vàng. 

Cụ thể hơn, chuyên gia vàng Dương Anh Vũ nhận định giá vàng thế giới chưa thể bứt xa ngưỡng kháng cự 2.469 USD/ounce cho thấy khả năng điều chỉnh giảm có thể xảy ra trong 2 phiên giao dịch cuối tuần. Mặc dù vậy, thời gian điều chỉnh không kéo dài khi quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed vẫn hỗ trợ xu hướng tăng cho kim loại quý. Nhờ thế, giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.547 USD/ounce vào tuần sau. Còn vàng nhẫn có thể chạm mức 79,8 triệu đồng. Dài hạn hơn, vàng nhẫn sẽ hướng đến mức 83 triệu đồng nếu giá vàng thế giới chạm kỷ lục 2.619 USD/ounce.

Theo dự báo của ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, giá vàng thế giới có thể sẽ lên 2.700 USD/ounce từ quý 2/2025. UOB kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Một khi Fed cắt giảm lãi suất thì sức khỏe USD sẽ giảm. Điều này sẽ hỗ trợ giá vàng tăng cao. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng bắt đầu mua vàng. Trong đó, Ngân hàng trung ương Nga tăng dự trữ vàng, với tỷ lệ 25% dự trữ bằng vàng và khả năng sẽ tiếp tục tăng dự trữ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc dự trữ vàng khoảng 4%; Singapore là 2% và Ấn Độ dự trữ vàng 7%. Hiện các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng mua vàng dự trữ cũng là một trong những yếu tố tác động lên giá vàng trong thời gian tới.

Do hiện thị trường vàng trong nước không liên thông với giá quốc tế nên có nhiều thời điểm vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Với sự can thiệp thị trường vàng từ Ngân hàng Nhà nước, khả năng giá vàng tại thị trường VN sẽ không còn chênh lệch khá xa so với quốc tế.

Ông Suan Teck Kin, Tập đoàn UOB

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.