Đầu ngày 20.8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng 54,15 - 55,65 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày trước đó. Còn tại Hà Nội, hệ thống Doji giao dịch vàng miếng ở mức 54,5 - 56 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng chỉ giảm 980.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC lẫn Doji đều giữ ở mức 1,5 triệu đồng/lượng, cao hơn gấp 3 lần so với khoảng cách một tháng trước.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 19.8 (rạng sáng ngày 20.8 giờ Việt Nam) giá vàng giảm 3,4% xuống 1.932,09 USD/ounce và hợp đồng vàng giao tháng 12 rớt 42,80 USD, tương đương 2,1% xuống 1.970,30 USD/ounce.
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày 19.8 khi đà suy yếu của đồng USD tạm chững lại. Đồng thời, lợi tức kho bạc tăng sau biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách không ủng hộ việc giới hạn lợi suất trái phiếu cũng khiến kim loại quý đi xuống. Giá vàng bắt đầu suy yếu sau khi một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cho biết một dự luật cứu trợ nhỏ hơn trị giá khoảng 500 tỉ USD có thể đạt được, trái ngược với mức từ 1.000 tỉ USD đến 3.000 tỉ USD như dự kiến trước đó.
Trong một báo cáo mới đây của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng ở Ấn Độ - thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Nhu cầu vàng giảm mạnh bởi việc áp dụng biện pháp phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 cũng như giá vàng tăng phi mã trong khi người dân gặp bất ổn về thu nhập trong tương lai. Nhu cầu vàng ở Ấn Độ trong năm 2020 được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm. Dù vậy, các quỹ đầu tư trên toàn cầu và cả Ấn Độ vẫn đang đưa vàng vào danh mục đầu tư khi dự báo kim loại quý này vẫn tiếp tục tăng.
Bình luận (0)