Đầu ngày 26.3, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 46,6 - 47,3 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với cuối ngày trước đó.
Tương tự, giá vàng miếng do Doji tại Hà Nội mua vào 46,65 triệu đồng/lượng và bán ra 47,05 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày trước đó nhưng vẫn giữ nguyên giá mua vào. Riêng vàng miếng thương hiệu SJC tại hệ thống Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vẫn giữ nguyên ở mức 46,3 – 47,3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 25.3, hợp đồng vàng giao tháng 4 rớt 27,4 USD xuống 1.633,40 USD/ounce. Vào lúc 8 giờ sáng nay (26.3), giá vàng giao ngay cũng giảm xuống 1.609,3 USD.
Theo CNBC, một báo cáo cho thấy các đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền của Mỹ đã tăng 1,2% trong tháng 2 dường như không tác động đến giao dịch vàng trong ngày 25.3. Giá vàng đã rút khỏi mức cao nhất trong hai tuần sau khi gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD của Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận mới để được thông qua. Một trong những nội dung quan trọng trong đó là người thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được cấp 600 USD/tháng và kéo dài trong vòng 4 tháng.
Tuy nhiên, phát biểu trên Reuters, ông Craig Erlam, nhà phân tích của OANDA cho biết, kích thích của Mỹ ban đầu có tác động tích cực rất lớn nhưng vẫn đặt câu hỏi liệu điều đó có bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, giá vàng vẫn có cơ hội tăng trở lại khi dịch bệnh này tiếp tục lan rộng.
Ngược với giá vàng, giá cổ phiếu hồi phục trở lại từ thông tin của gói kích thích của Mỹ. Chốt phiên ngày 25.3, chỉ số Dow Jones tăng 495,64 điểm, tương đương 2,39% lên 21.200,55 điểm khi các cổ phiếu như Boeing, Nike đều tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 cộng 1,1% lên 2.475,56 điểm. Riêng Cổ phiếu Boeing bứt phá 24% để dẫn đầu đà tăng của Dow Jones. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại giảm 0,45% xuống 7.384,30 điểm.
Bình luận (0)