Sức mua yếu, vàng vẫn tăng gần 2 triệu đồng/lượng
Giá vàng miếng SJC liên tục tăng trong những ngày đầu năm 2025, tính đến hôm qua đã thêm gần 2 triệu đồng mỗi lượng. Ngày 9.1, giá vàng miếng SJC tăng 500.000 đồng mỗi lượng, các đơn vị kinh doanh vàng mua vào với giá 84,5 triệu đồng, bán ra 86 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC trên thị trường tự do tăng lên 85,5 triệu đồng ở chiều mua vào, bán ra 86,3 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn cũng tăng từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi lượng, Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 84,9 triệu đồng, bán ra 86,2 triệu đồng. Giá mua vàng nhẫn tại Tập đoàn Doji ở mức 84,7 triệu đồng, bán ra 86 triệu đồng… Tốc độ tăng giá của kim loại quý trong nước nhanh hơn khi giá vàng thế giới chỉ tăng 40 USD/ounce, lên 2.667 USD/ounce.
Giá vàng tăng nhanh bất chấp mãi lực thị trường khá chậm dù chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Ông T.C (chủ tiệm vàng ở Q.8, TP.HCM) thừa nhận: "Thị trường tết năm nay coi như thua vì gần như không ai mua bán". Người này phán đoán mãi lực thấp là do thu nhập người dân sụt giảm. Theo ông: "Mọi năm, thời điểm này nhiều nhân viên tiệm vàng khan cả tiếng vì trả lời khách. Còn hiện nay, thay vì khách vào hỏi mua thì họ mang dây chuyền, nhẫn… bán nhiều. Chỉ có điều, hầu hết những sản phẩm này không có hóa đơn nên tiệm cũng không dám mua vào". "Trước đây, đối với những sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thì tiệm vẫn mua vào và phân kim, coi như nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm mới. Nay cơ quan quản lý kiểm tra chứng từ đầu vào nên chúng tôi cũng không thể thu mua. Hiện các tiệm vàng đang chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường trước và sau tết nhưng làm đến đâu hay đến đó chứ không chuẩn bị hàng nhiều như các năm trước. Mãi lực thị trường những ngày tới quyết định năm nay có gỡ gạc được hay không", ông T.C cho hay.
Đây cũng là tâm trạng và bầu không khí chung của thị trường vàng những ngày cuối năm. Các khu vực kinh doanh vàng nổi tiếng tại TP.HCM như chợ Bến Thành, chợ An Đông, chợ Tân Định… đều ảm đạm, vắng vẻ.
Nguồn nguyên liệu khan hiếm làm giá tăng
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, xác nhận chưa bao giờ thị trường vàng lại rơi vào cảnh như hiện nay, mãi lực khá thấp. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu sản xuất vàng khan hiếm nên nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, hoặc tạm ngưng. Vì thế, để có sản phẩm bán dịp tết, một số đơn vị nhập sản phẩm vàng Thần tài hay dây chuyền vàng Ý. Tuy nhiên, những sản phẩm này thường không đáp ứng được nhu cầu mang tính mùa vụ, cũng như thị hiếu của người tiêu dùng nên khó bán. Hơn nữa, việc nhập khẩu sản phẩm vàng từ nước ngoài về tiêu thụ trong nước cũng phải tính toán, đắn đo vì thuế cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, do khan hiếm nguồn nguyên liệu nên mua vàng nhẫn không dễ, nhất trong bối cảnh thị trường đang chuẩn bị cho ngày vía Thần tài (sau Tết Nguyên đán). Cũng vì thế dẫn đến hiện tượng giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC do các ngân hàng, các công ty lớn niêm yết. Tuy nhiên, trên thị trường tự do thì giá vàng miếng SJC có cao hơn.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) đặt vấn đề, trước đây có những năm doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm nữ trang Trung Quốc về tiêu thụ trong nước. Với tình hình khan hiếm nguyên liệu vàng hiện nay, khả năng tình trạng này lại tái diễn. Nếu vậy, giá nữ trang sẽ cao hơn vì còn gánh thuế. "Ngành kim hoàn VN cũng có thế mạnh trong khu vực. Các doanh nghiệp trước đây đầu tư máy móc, thiết bị để làm ra các sản phẩm tinh xảo. Thế nhưng thị trường trang sức không có nguồn nguyên liệu để sản xuất thì về lâu dài sẽ bị triệt tiêu. Thay vì sản xuất, doanh nghiệp lại phải nhập hàng", TS Huân phân tích và cho rằng cần xem xét cho doanh nghiệp sản xuất được phép nhập nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Bởi trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm bước vào mùa cao điểm của thị trường vàng, đặc biệt là vàng trang sức. Với tình trạng nguồn cung không mấy dồi dào hiện nay, nguy cơ vàng tăng giá vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 rất có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng từ sự khan hiếm nguồn cung cũng như biến động của giá thế giới. Giá vàng miếng SJC hiện nay đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát, còn vàng nhẫn thì chạy theo cung - cầu trên thị trường. Theo các chuyên gia, giá vàng năm nay đối mặt với nhiều thách thức bao gồm chính sách tiền tệ "diều hâu" của Ngân hàng Trung ương Mỹ; sự khó đoán của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump; những xung đột địa chính trị trên thế giới chưa thể sớm giải quyết... Tất cả sẽ là nguyên nhân khiến nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng có thể hạ nhiệt. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tin vào khả năng tăng giá của kim loại quý, và cũng vì thế, giá vàng trong năm 2025 sẽ khó dự đoán hơn 2024.
Trong cuộc họp mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, khẳng định việc ổn định thị trường vàng là nhiệm vụ cấp thiết và cần hành động ngay. Để tiếp tục đảm bảo quyền lợi của người dân, NHNN đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012 quy định về hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để thị trường vàng ổn định, phát triển bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp.
13 năm qua, NHNN chưa cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu
Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và các doanh nghiệp phải tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu. Thực hiện Nghị định 24, đối với thị trường vàng miếng, NHNN đã sắp xếp, cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là 6.681 doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ cần đăng ký kinh doanh với Sở KH-ĐT, không phải xin phép NHNN.
Bình luận (0)