Giá vàng, USD bật tăng dữ dội

Thanh Xuân
Thanh Xuân
21/10/2024 06:09 GMT+7

Cả vàng nhẫn, vàng miếng cho tới USD đều tăng mạnh, khiến thị trường tài chính trong nước và thế giới "dậy sóng" mấy ngày qua.

Giá vàng lập kỷ lục, USD đột ngột tăng nhanh

Chỉ tính riêng 1 tuần qua, giá vàng nhẫn đã tăng mạnh 2,2 - 2,4 triệu đồng/lượng và đạt mức cao kỷ lục. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 84 triệu đồng mỗi lượng, bán ra 85,4 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 84,68 triệu đồng, bán ra 85,68 triệu đồng. Tập đoàn Doji có giá mua vào lên 84,7 triệu đồng, bán ra 85,7 triệu đồng. Mức giá cao nhất trên thị trường thuộc về Công ty Phú Quý với giá mua vào 84,85 triệu đồng/lượng, bán ra 85,85 triệu đồng… Giá bán vàng nhẫn 4 số 9 chỉ còn thấp hơn vàng miếng SJC từ 150.000 - 600.000 đồng mỗi lượng. Tuy nhiên giá mua vào vàng nhẫn có giá cao hơn vàng miếng SJC từ 680.000 - 850.000 đồng mỗi lượng.

Giá vàng, USD bật tăng dữ dội- Ảnh 1.

Giá vàng dự báo còn tăng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Các đơn vị kinh doanh vẫn giữ giá vàng miếng SJC bất động ngày thứ năm liên tiếp ở mức 84 triệu đồng chiều mua vào, còn bán ra ở 86 triệu đồng. Dù vậy, so với đầu tháng 10, giá vàng miếng đã tăng 2 triệu đồng/lượng. Thế nhưng trên thị trường chợ đen, giá vàng miếng SJC tăng vù vù, cao hơn trong ngân hàng từ 500.000 đồng - 1,7 triệu đồng mỗi lượng. Khảo sát của chúng tôi trên một diễn đàn mua bán vàng có 12.100 thành viên tham gia trong phiên hôm qua 20.10 cho thấy người cần mua thì rao giá thu vào 86,5 triệu đồng/lượng, còn người cần bán thì ra giá 87,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng ngày 20.10: Tăng vùn vụt thêm 2,5 triệu đồng lên đỉnh mới

Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng là theo thị trường quốc tế. Trên thế giới, giá kim loại quý đã tăng thêm 28 USD/ounce, lên mức kỷ lục 2.722 USD/ounce. So với đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 700 USD/ounce, tương đương 35%, ghi nhận mức tăng mạnh nhất từ nhiều năm trở lại đây. Khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước so với giá thế giới là 2,9 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn giá thế giới 2,6 triệu đồng/lượng.

Ngoài ra còn một nguyên nhân khác, đó là giá USD của các ngân hàng gần đây ở mức cao khiến giá vàng quy đổi cũng gia tăng. Trong tuần qua, các ngân hàng tăng giá USD khoảng 320 - 340 đồng, tương đương mức đi lên 1,3%. Giá mua USD của các nhà băng như Vietcombank, ACB… ở mức 24.950 - 24.980 đồng, bán ra ở mức 25.340 - 25.360 đồng. Giá USD đang quay trở lại mức cao nhất đạt được hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, tăng gần 5% so với đầu năm. Kể từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9, giá USD liên tục sụt giảm mạnh, khiến mức tăng có lúc chỉ còn 360 đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 1,5%. Thế nhưng nay giá USD đã tăng 920 đồng so với đầu năm, tương đương lên giá 3,7%. Các ngân hàng tăng giá USD lên gần mức kịch trần cho phép, hiện còn thấp hơn khoảng 70 đồng/USD. 

Nguyên nhân khiến giá USD đột ngột tăng cao đến từ đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng vọt, chỉ số USD-Index lên 103,8 điểm trong tuần qua. Thêm vào đó, nhu cầu ngoại tệ trong nước cũng gia tăng. Ngày 18.10 vừa qua, Kho bạc Nhà nước thực hiện mua vào 300 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, đây là đợt mua lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 6 lần mua ngoại tệ kể từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng 850 triệu USD, trong đó chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đã thực hiện 3 lần mua vào với khối lượng 500 triệu USD. Ngoài ra, nhu cầu mua ngoại tệ thanh toán của khối doanh nghiệp cho hàng nhập khẩu cũng tăng lên.

Thận trọng ở mức đỉnh

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: Giá vàng thế giới tăng cao mức kỷ lục đến từ tình hình bất ổn trên thế giới, căng thẳng tại Trung Đông, Đông Âu… vẫn hết sức phức tạp khiến nhà đầu tư lựa chọn trú ẩn vào tài sản như vàng, tiết kiệm và đồng yen của Nhật. Tuy nhiên, theo ông Khánh, khoảng 3 năm trở lại đây khi mọi thứ trở nên khó đoán hơn thì dòng tiền cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư. Đợt này, không những vàng lập kỷ lục mà cả chứng khoán Mỹ cũng có mức cao mới.

Giá vàng, USD bật tăng dữ dội- Ảnh 2.

Ngân hàng tăng giá USD gần kịch trần

"Thị trường đang diễn ra một hiện tượng hết sức hiếm hoi, đó là giá vàng, chứng khoán và USD cùng tăng. Thông thường giá USD tăng thì vàng sẽ giảm, nhưng nay cả hai đi cùng chiều. Giá vàng hiện nay đã tăng khá mạnh so với đầu năm và khả năng những yếu tố trên sẽ hỗ trợ kim loại quý tiếp tục tăng lên mức giá 3.000 USD/ounce vào thời điểm cuối năm nay, đầu năm sau. Trường hợp mức giá này xuất hiện thì vàng tăng 50% trong năm 2024, ghi nhận mức tăng khủng khiếp trong lịch sử thị trường vàng. Trong vòng 20 - 30 năm qua, những năm vàng có tốc độ tăng cao nhất cũng chỉ 20 - 30% là nhiều", ông Khánh dự báo.

Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh cũng lưu ý có một số yếu tố ngăn cản đà tăng giá của kim loại quý trong thời gian tới. Đó là giá USD tăng, chính trị ở các nước bớt căng thẳng, từ đó dòng tiền có thể sẽ rút dần ra khỏi vàng. Ngoài ra, động thái chốt lời ở mức giá cao kỷ lục 3.000 USD/ounce có thể sẽ xảy ra cũng sẽ làm giá vàng đi xuống. Trong khi đó, lực mua vàng từ Trung Quốc mấy tháng gần đây đã tạm ngưng. Trước đó nước này liên tục mua vàng tăng dự trữ nhiều tháng liền. Không riêng gì Trung Quốc, một số nước khác cũng có khả năng tạm ngưng mua vàng và có thể thực hiện bán vàng chốt lời ở mức giá cao.

Dự báo giá vàng trong ngắn hạn, chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cũng cho rằng giá quốc tế sẽ tiếp tục hưởng lợi ở mức cao từ tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông, Đông Âu và chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 12 khá rõ nên vàng đã "chạy trước" thông tin này bằng cách tăng giá. Trước khi vàng tăng lên mức giá 2.850 - 2.860 USD/ounce trong thời gian tới, một ngưỡng kháng cự khá quan trọng mà kim loại quý sẽ phải vượt qua là 2.750 USD/ounce. 

Theo ông Vũ, giá vàng trong nước vì thế mà sẽ tăng theo quốc tế và lập các mức cao mới trong thời gian tới. Đối với giá vàng quốc tế, ngoài các yếu tố phân tích như trên, một số người kinh doanh vàng cho rằng giá vàng tăng nhờ đang được thúc đẩy bởi tâm lý giao dịch sợ bỏ lỡ (FOMO). Hơn nữa, các giao dịch EFP (hoán đổi vàng tương lai lấy vàng vật chất) vẫn ổn định, cho thấy đợt tăng giá vàng hiện nay chủ yếu được thúc đẩy trên thị trường phi tập trung (OTC). Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro chốt lời mạnh, nhất là khi căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt. Đối với thị trường vàng trong nước, khả năng giá vàng miếng SJC sẽ được điều chỉnh tăng từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng mỗi lượng vào đầu tuần để theo kịp giá quốc tế, mức giá 87 triệu đồng/lượng có thể sẽ xuất hiện. Còn đối với vàng nhẫn, giá sẽ tăng nhanh hơn khi nhu cầu thị trường đi lên, trong khi nguồn cung nguyên liệu không dồi dào.

"Khi mọi người quá tập trung vào vàng thì giá sẽ tăng cao và khi hoạt động chốt lời diễn ra hàng loạt trên thị trường quốc tế, giá sẽ nhanh chóng giảm trước khi có đợt tăng mới. Người dân cần thận trọng vì dù giá vàng còn khả năng tăng nhưng coi chừng mua trúng đỉnh, đồng thời đừng thấy giá cao mà vay vàng để bán, rất dễ bị lỗ", ông Phan Dũng Khánh khuyến cáo.

Thị trường quốc tế dự báo giá vàng tăng

Theo kết quả khảo sát của Kitco News, có 15/16 nhà phân tích quốc tế cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Nhà phân tích còn lại trung lập về triển vọng thị trường vàng. Không có nhà phân tích nào cho rằng vàng sẽ giảm, đây là điều khá hiếm hoi trong kết quả khảo sát vàng.

Không những vậy, 159 phiếu bầu đã được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco với 115 nhà giao dịch bán lẻ (chiếm 72% tỷ lệ khảo sát) trông đợi giá vàng sẽ tăng, trong khi chỉ có 27 người (chiếm 17%) cho rằng vàng sẽ giảm. 17 người còn lại cho rằng giá kim loại quý sẽ đi ngang trong tuần tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.