Tại Indonesia, từ năm 2002 giá trần vé máy bay được ban hành bởi Bộ Giao thông theo nhóm khoảng cách đường bay.
Năm 2005, Bộ Giao thông Indonesia ban hành giá sàn cho các chặng bay nội địa để hạn chế việc các hãng hàng không cạnh tranh về giá. Từ năm 2006, Hiệp hội các hãng hàng không Indonesia (INACA) đã nghiên cứu ban hành mức phụ thu song song với việc áp dụng giá trần.
Đến năm 2016, Bộ Giao thông Indonesia tiếp tục ban hành chính sách giá trần, giá sàn, phụ thu nhiên liệu cho các đường bay nội địa. Theo đó, giá trần, giá sàn được tính trên căn cứ mức giá cơ sở nhân với khoảng cách của mỗi đường bay; giá cơ sở được xác định bởi Bộ Giao thông căn cứ trên chi phí, hiệu quả khai thác, tỷ lệ lấp đầy và loại tàu bay.
Phụ thu sẽ được áp dụng dựa theo dòng máy bay và khoảng cách bay, được áp dụng khi giá nhiên liệu tăng trên 0,64 USD/lít (khoảng 101,8 USD/thùng Jet A1) trong vòng 3 tháng liên tục; hoặc chi phí khai thác tăng 10% trong 3 tháng liên tục vì lý do tỷ giá.
Giá sàn được áp dụng bằng 30% so với mức giá trần từ năm 2016 và được điều chỉnh tăng lên bằng 35% giá trần từ năm 2019.
Xem nhanh 12h: Cấp tập đối phó cúm A/H5N1 | Hành trình vướng lao lý của tiến sĩ luật
Tại Thái Lan, Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) áp dụng giá trần từ năm 2011 cho hầu hết các đường bay nội địa với mức phí là 13 baht/km (tương đương 8.950 đồng/km). Các chặng bay ngắn hơn 300 km không có phương tiện thay thế sẽ được áp dụng mức giá 22 baht/km.
Mức giá này cao gấp 3 lần nếu so sánh với đường bay Hà Nội - TP.HCM của Việt Nam với mức giá trần 3,2 triệu đồng/khách/chiều và khoảng cách bay 1.160 km/chiều, mức thu trần là 2.750 đồng/km.
Từ tháng 1.2019, CAAT áp dụng chính sách giá trần nội địa mới với quy định mới, theo đó áp mức trần riêng cho các hãng hàng không mô hình chi phí thấp. Theo đó, đường bay dưới 300 km và được kết nối thuận tiện bởi các phương tiện vận tải mặt đất sẽ không bị áp giá trần. Đường bay dưới 300 km và không được kết nối thuận tiện bởi các phương tiện vận tải mặt đất sẽ được áp giá trần là 22 baht/km. Đường bay dài hơn 300 km sẽ được áp giá trần theo mô hình kinh doanh của hãng.
Tại Maylaysia, trước năm 2006, chính phủ nước này chi phối mức giá vận tải hàng không nội địa và thậm chí cả tải cung ứng trần trên các đường bay nội địa. Từ năm 2006, nhằm thực hiện chính sách tự do hóa thị trường vận tải hàng không (cùng sự xuất hiện của hãng hàng không giá rẻ Air Asisa từ năm 2001), các quy định kiểm soát giá, tải tại thị trường nội địa Malaysia được gỡ bỏ và các hãng hàng không được tự do xác định mức giá.
Các quốc gia khác trên thế giới, đều thực hiện chính sách tự do hóa vận tải hàng không. Mỹ và các nước EU đã thực hiện chính sách tự do hóa và bãi bỏ các quy định áp dụng cho vận chuyển hành khách nội địa.
Các nước như Úc, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đều cũng lần lượt bỏ các quy định về khung giá trần cho vận tải hành khách nội địa. Riêng Ấn Độ đã khôi phục trở lại chính sách giá trần vào năm 2020 do tải cung ứng giai đoạn Covid-19 còn hạn chế, nhưng sau đó đã gỡ bỏ từ tháng 8.2022.
Tại Việt Nam, tháng 6.2019, Bộ GTVT ban hành Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, mức giá này giữ nguyên so với Thông tư 36 được ban hành năm 2015. Các hãng hàng không đã nhiều lần kiến nghị bỏ giá trần, song tới nay chưa được thông qua.
Hiện mức áp với các đường bay dưới 500 km mức giá trần là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt. Từ 500 km - 800 km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850 km - dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng. Từ 1.000 - dưới 1.280 km giá 3,2 triệu đồng. Từ 1.280 km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Đây là mức doanh thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 - 120.000 đồng/khách tùy theo các cấp sân bay).
Theo các chuyên gia, khung giá trần này đã trở nên lạc hậu, đặc biệt khi từ năm 2021 đến nay giá nhiên liệu biến động liên tục.
Từ cuối năm 2021, giá nhiên liệu bắt đầu có dấu hiệu tăng trên 100 USD/thùng Jet A1, thậm chí tháng 5.2022 giá nhiên liệu đạt ngưỡng 170 - 175 USD/thùng Jet A1 và duy trì ở mức bình quân 130 USD/thùng Jet A1 trong năm 2022 (tăng 40% so với mức được sử dụng để định giá năm 2015 và 2019). Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VNĐ năm 2015 đạt bình quân 21.929 đồng trong khi năm 2022 bình quân đạt 23.425 đồng, tăng 6,8%. Các hợp đồng thuê máy bay, chi trả nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài cũng gia tăng trong khi vé bán tại thị trường nội địa chỉ được thu bằng đồng tiền Việt Nam.
Trong khi đó, dù áp giá trần như Indonesia, nhưng nước này cho phép phụ thu trong trường hợp giá nhiên liệu và chi phí sản xuất tăng; hoặc Thái Lan mức giá trần được thiết lập từ năm 2011 cao gấp khoảng 3 lần so với mức giá cơ sở của Việt Nam tính theo nhóm đường bay trục chính Hà Nội - TP.HCM.
Bình luận (0)