Cứ tưởng du lịch và hàng không sẽ "bùng nổ" trong cuộc đối chất trực tiếp hiếm hoi này, bởi trước đó việc giá vé máy bay tăng cao khiến lượng khách của nhiều điểm đến hàng đầu cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Sắp xếp cho du lịch lên tiếng trước, mục đích của Báo Thanh Niên, đơn vị đứng ra kết nối cuộc gặp gỡ, là để các hãng hàng không thừa nhận chuyện tăng giá vé máy bay cũng như nhìn thấy rõ hậu quả của việc này.
Thế nhưng phản ứng của ngành du lịch lại hoàn toàn gây bất ngờ: không có sự oán trách hay bức xúc mà là thấu hiểu và sẻ chia. Bởi ai cũng biết giá vé tăng là do chi phí tăng, là sự bất khả kháng của các hãng hàng không. Và mong muốn của chính quyền các địa phương cũng như đại diện công ty lữ hành hàng đầu VN là các bên có thể ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp cho bài toán: "Giá vé máy bay tăng 20% đẩy giá tour tăng 10% là tất yếu, nhưng làm sao để kéo xuống chỉ còn tăng 3-5%". Mong muốn này thiết thực và chính đáng nhưng nó một lần nữa đặt câu hỏi về vấn đề liên kết trong ngành công nghiệp không khói của VN. Đây là vấn đề đã đặt ra cách đây hơn 2 thập niên khi Thái Lan nhờ vào liên kết giữa du lịch, hàng không, thương mại, các điểm đến, hệ thống dịch vụ, vận tải... cùng sự hậu thuẫn của chính sách đã tạo ra những gói tour siêu cạnh tranh, đưa ngành du lịch nước này vươn lên dẫn đầu trong khu vực về thu hút khách nước ngoài.
Giờ đây, chúng ta đã hiểu vì sao ở nhiều thời điểm, giá tour Thái Lan chỉ nhỉnh hơn giá vé khứ hồi chặng dài nhất trong nước nhưng vẫn chưa có một "nhạc trưởng" đứng ra liên kết các mắt xích trong hệ sinh thái du lịch để tăng cạnh tranh ở "thời bình" cũng như sẻ chia khó khăn vào những lúc như hiện tại. Vậy thì đến lúc này, khi giá vé đang ảnh hưởng đến giá tour, ảnh hưởng đến thu hút khách nội địa ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế của đất nước, liệu chúng ta có quyết liệt liên kết để tạo ra những gói tour cạnh tranh hay không?
Nếu giá tour có thể giảm nhờ liên kết thì giá vé máy cũng có thể giảm ở những phần chi phí mà chúng ta kiểm soát được. Trong cơ cấu giá vé máy bay hiện tại, chi phí thuê tàu bay, sửa chữa động cơ, ngoại tệ, nhiên liệu... chiếm khoảng 50-60% trong tổng chi phí nhưng khoản chi phí này các hãng không chủ động mà phải theo thế giới. Cái chúng ta có thể giảm là phí điều hành bay, cất - hạ cánh; thuế nhập khẩu nhiên liệu, phí phụ thu bay đêm... Hiện Chính phủ đang xem xét trình giảm một số loại thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và rất cần thiết đưa hàng không vào danh sách này để giảm nhiệt giá vé, kích cầu du lịch.
Trở lại với các hãng hàng không nội địa, dù hoạt động kinh doanh quý 1 đã khởi sắc trở lại nhưng di chứng của Covid-19 cũng như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì vẫn còn nguyên đó. Hãng hàng không Quốc gia VN (VNA) vẫn gánh nợ lũy kế gần 1,5 tỉ USD và chỉ lời 1 USD/khách nếu thời tiết thuận lợi. Còn chẳng may gặp mưa lớn hay bão thì khoản "lời mỏng" này cũng bay nốt. Vietjet Air chỉ sống nhờ 2 tháng hè và tết; Vietravel Airlines càng bay càng lỗ, còn Bamboo Airways từ trạng thái liên tục mở đường bay giờ đây chưa thoát khỏi việc giảm lương, cắt hợp đồng lao động... Với thể trạng thế này, việc hạ nhiệt giá vé máy bay nếu chỉ trông chờ vào các hãng hàng không là bất khả thi.
Vì thế, cuộc hội tụ hiếm hoi có mặt đầy đủ từ hàng không, du lịch, cơ quan quản lý giá, các điểm đến, các hãng lữ hành... hy vọng sẽ góp phần giúp giải nhiệt cho giá vé, giá tour cho mùa hè trước mắt cũng như đưa "cú bắt tay" liên kết đã manh nha từ hàng thập niên trước thành hiện thực.
Bình luận (0)