Giá xăng dầu hôm nay 10.7.2021: Quay đầu tăng 2 phiên liên tiếp, dầu thoát đà giảm

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/07/2021 10:45 GMT+7

Sau khi lao dốc, quay đầu tăng mạnh hơn 2% trong phiên cuối tuần, dầu thế giới kết thúc tuần chỉ mất khoảng 1% trong tình hình không chắc chắn về nguồn cung toàn cầu sau khi OPEC+ bế tắc.

Ngày 10.7, dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ đóng phiên cuối tuần tiến 1,69 USD (tương đương 2,32%) lên 74,63 USD/thùng; dầu Brent cũng tiến 1,46 USD (tương đương gần 2%) lên 75,58 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu Brent và dầu WTI đã giảm khoảng 1% trong tuần này do chịu sức ép bởi các cuộc đàm phán sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+ bất thành.
Trong khi đó, ngày 8.7, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dự trữ dầu và xăng tại Mỹ đã giảm và nhu cầu xăng đạt mức cao nhất kể từ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Số liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) cho thấy, giá xăng bình quân tại Mỹ ngày 9.7 là 3,143 USD/gallon, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Nguyên nhân được lý giải do nhu cầu tăng vọt trong khi nguồn cung hạn chế đã đẩy giá xăng leo thang. Nửa đầu năm ngoái, giá xăng ở Mỹ giảm chóng mặt vì hoạt động đi lại ở nước này tê liệt ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Năm nay, nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 và kinh tế phục hồi nhanh nên hoạt động đi lại ở Mỹ tăng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Thế nên, việc giá xăng tăng được xem là một dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách tốt nhất để thị trường xăng dầu thế giới ổn định là Mỹ có thể thuyết phục OPEC+ bơm thêm dầu. Trên Reuters, chuyên gia của công ty môi giới dầu PVM nhận định, thị trường dầu tại Mỹ đang bị thắt chặt. Song cách duy nhất có thể ngăn chặn đà suy giảm là phải kiềm chế cho được cuộc chiến giá dầu giữa các nước trong OPEC+.
Đà tăng của giá dầu đã bị kìm hãm bởi những lo ngại các thành viên OPEC+ có thể sẽ bị “cám dỗ” để từ bỏ những giới hạn sản lượng mà họ đã cam kết trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sau khi các cuộc đàm phán thất bại vì bất đồng giữa các nhà sản xuất chủ chốt Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Reuters cho rằng, hiện 2 đồng minh OPEC vùng Vịnh vẫn mâu thuẫn về thỏa thuận được đề xuất mang lại nhiều dầu hơn cho thị trường. Trong khi đó, Nga đang cố gắng làm trung gian trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận tăng sản lượng.
Trong nước, ngày 10.7, giá xăng dầu bán lẻ phổ biến ở mức sau: xăng E5 RON92 19.760 đồng/lít; xăng RON95 20.916 đồng/lít; dầu diesel 16.119 đồng/lít; dầu hỏa 15.051 đồng/lít và dầu mazut 15.449 đồng/kg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.