Ngày 13.1, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 78,37 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu tiến sát mốc 84 USD/thùng, tăng nhẹ so với giá cùng thời điểm hôm qua.
Trước đó, chốt phiên giao dịch khuya 12.1, giá dầu thô Brent tăng hơn 1,7%, dầu WTI tăng 1,3% nhờ dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng (CPI) Mỹ trong tháng 12 giảm và triển vọng nhu cầu khá lạc quan tại Trung Quốc. Với chỉ số CPI giảm, các phân tích kỳ vọng lạm phát đang giảm dần. Trong khi đó, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, thị trường nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, được đánh giá là động lực cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2023, qua đó sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Giá dầu thô thế giới tiếp đà tăng |
REUTERS |
Giới phân tích cũng cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế toàn cầu đã qua và giờ là giai đoạn tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn khi quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga có hiệu lực cách đây hơn 1 tháng cũng hỗ trợ đẩy giá dầu tăng. Ngày 12.1, Business Insider đưa tin, Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Phần Lan ước tính xuất khẩu dầu thô Nga đã giảm ngay 12% trong tháng 12.2022 và doanh thu từ dầu thô của quốc gia này cũng giảm đến 32%. Với lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga và việc áp mức giá trần 60 USD/thùng, Nga tổn thất khoảng 170 triệu USD/ngày.
Trong nước, Bộ Tài chính mới đây cũng đã có ý kiến góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo yêu cầu của Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Tài chính cũng "muốn" Bộ Công thương tiếp tục điều hành giá xăng, rằng Bộ Công thương là cơ quan chủ trì điều hành trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, đánh giá để lựa chọn một phương án cụ thể.
Ngày 13.1, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 22.154 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 21.634 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 21.809 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 13.366 đồng/kg.
Bình luận (0)