Ngày 24.6, các mặt hàng xăng dầu tiếp đà giảm. Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 0,4% xuống 73,85 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,5% xuống 69,16 USD/thùng.
Như vậy, trong tuần có 3 phiên giảm giá liên tục, khiến cả 2 loại dầu chuẩn đã giảm hơn 3,5%, ngược nỗ lực leo dốc của tuần trước.
Theo Reuters, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất. Sau quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng của Fed, khả năng cao sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất tại Mỹ. Thậm chí, một vài ý kiến "bóng gió" rằng thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là "rất hợp lý". Điều này càng củng cố cho các dự đoán Fed sẽ tăng ít nhất 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Ngoài vấn đề nói trên, thị trường dầu thô dường như đang có một kiểu giao dịch được các nhà phân tích gọi là "phòng ngừa rủi ro", vốn được kích hoạt từ việc tăng lãi suất ở Liên minh châu Âu (EU) và các dữ liệu kinh tế chậm đến từ Trung Quốc. Tâm lý ngại rủi ro của các nhà đầu tư cũng làm tăng giá trị của đồng USD, gia tăng thêm áp lực cho giá dầu bằng cách khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá xăng dầu tuần tới được dự báo biến động liên tục và đà giảm có thể chững lại nếu không có yếu tố bất ngờ nào khác xảy ra, xung quanh nguồn cung và lạm phát.
Ngày 24.6, giá xăng dầu bán lẻ trong nước phổ biến ở mức sau: xăng E5 RON 92 20.878 đồng/lít, xăng RON 95 22.015 đồng/lít, dầu diesel 18.174 đồng/lít, dầu hỏa 17.956 đồng/lít và dầu mazut 14.587 đồng/kg.
Có một vấn đề đang gây khó khăn cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại nhiều địa phương, đó là giấy phép phòng cháy chữa cháy. Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bình Dương, có đến 74 cửa hàng xăng dầu của tỉnh này đang tạm dừng hoạt động do các cửa hàng chưa đáp ứng điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ theo quy định.
Trước đó, 7 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, các quy định, văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy liên tục được ban hành, sửa đổi, quá trình áp dụng lại phát sinh quá nhiều bất cập, gia tăng nhiều lần chi phí, thời gian và tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vì những quy định mới khắt khe này. "Hàng ngàn nhà xưởng xây mới hoặc cải tạo nhưng không thể đưa vào hoạt động do không đáp ứng kịp sự thay đổi của chính sách, không thể kiểm định, cấp phép phòng cháy chữa cháy, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của Việt Nam", kiến nghị nêu.
Bình luận (0)