Ngày 2.6, giá xăng dầu quay đầu tăng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,01 USD, tương đương 3%, lên 70,1 USD/thùng, ghi nhận mức tăng hằng ngày lớn nhất trong một tháng qua; dầu Brent giao tháng 8 tăng 1,68 USD, tương đương 2,3%, lên 74,28 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán trần nợ thành công đã hỗ trợ giá dầu trở lại nhưng triển vọng tổng thể về nhu cầu thị trường vẫn còn u ám. Tâm điểm của thị trường hôm nay đang chuyển dần sang cuộc họp ngày 4.6 tới của OPEC+.
Reuters dẫn một số nguồn tin từ OPEC+ cho biết, tổ chức này khó có thể cắt giảm nguồn cung sâu hơn tại cuộc họp tới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng khả năng này vẫn có thể xảy ra do các chỉ số nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ trong những tuần gần đây liên tục gây thất vọng. Nhà phân tích Craig Erlam của Oanda bình luận cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này "khiến thị trường khá thận trọng đối với các mức giá thấp", đặc biệt sau cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út vào tuần trước rằng các thương nhân không nên bán khống dầu tương lai vì sẽ gặp "thất bại".
Trong nước, chiều 1.6, liên Bộ Công thương - Tài chính đã cho điều chỉnh giá bán xăng dầu theo hướng tăng giảm trái ngược. Các mặt hàng xăng tăng cao nhất 516 đồng đồng/lít, trong khi các sản phẩm dầu lại đồng loạt giảm nhẹ, mức giảm thấp nhất 11 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ cũng cho giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước (300 đồng/lít) và tiếp tục không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngày 2.6, giá bán các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 20.878 đồng/lít, xăng RON95 20.015 đồng/lít, dầu diesel 17.943 đồng/lít, dầu hỏa 17.771 đồng/lít và dầu mazut 14.883 đồng/kg.
Bình luận (0)