Ngày 27.1, giá xăng dầu giữ đà tăng, dầu Brent chuẩn toàn cầu tăng 1,12 USD, tương đương 1,4%, lên 83,55 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 65 cent, tương đương 0,8%, lên 78,01 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều đóng cửa mức cao nhất kể từ tháng 11.2023.
Như vậy, tính cả tuần, giá 2 mặt hàng dầu chuẩn Brent và WTI đều tăng khoảng 6%. Đây cũng là mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 13.10 sau khi bắt đầu cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza.
Dữ liệu kinh tế từ Mỹ có nhiều dấu hiệu khả quan, lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng tăng mạnh hơn dự kiến; dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc cũng ấm lên... đã hỗ trợ giá dầu tăng trở lại. Số liệu về tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 9,2 triệu thùng trong tuần trước đã đẩy giá dầu tăng vọt. Bên cạnh đó, căng thẳng ở khu vực Trung Đông khiến thị trường luôn trong tâm thế lo ngại gián đoạn nguồn cung cũng hỗ trợ giá dầu.
Trong nước, trong 4 phiên điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 3 phiên được điều chỉnh tăng, tổng mức tăng đối với mặt hàng xăng từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy loại. Tuy vậy, khảo sát cho thấy, giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu tăng theo giá xăng.
Ngày 27.1, bảng giá xăng dầu theo công bố của Petrolimex tại các thị trường vùng 1 (gần cảng, gần kho...) cụ thể như sau: Xăng RON 95-V 24.190 đồng/lít, xăng RON 95-III 23.400 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.170 đồng/lít, dầu diesel từ 20.370 - 21.350 đồng/lít, dầu hỏa 20.540 đồng/lít và dầu mazut từ 15.490 - 20.150 đồng/lít. Giá các mặt hàng xăng dầu này tại các thị trường vùng 2 (địa phương xa cảng, xa kho...) sẽ cao hơn từ 400 - 500 đồng/lít.
Bình luận (0)