Ngày 29.9, giá dầu thô tiếp tục giảm hơn 1%, dầu WTI giao dịch ngưỡng 74,3 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 77,4 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều giảm trong phiên kết thúc khuya 28.9. Theo đó, dầu thô Mỹ WTI giảm 0,2% xuống 75,29 USD/thùng, dầu Brent lùi 0,6% xuống 79,09 USD/thùng. Trong phiên 28.9, có thời điểm dầu Brent vọt lên 80,75 USD/thùng, dầu WTI lên 76,67 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu được dự báo chững lại chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dự kiến tổ chức vào đầu tuần tới. Trước cuộc họp, thông tin cho thấy việc tăng sản lượng trở lại của một số thành viên nhóm này đang gặp khó khăn sau hơn 1 năm cắt giảm vì đại dịch. Theo Reuters, các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của châu Phi là Nigeria và Angola sẽ phải chật vật ít nhất cho đến năm sau để tăng sản lượng lên mức hạn ngạch do OPEC đặt ra.
Ngoài ra, cũng theo Reuters, thị trường phải đối mặt với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Ngân hàng đầu tư Barclays (Anh) cho rằng việc phân bổ năng lượng gần đây cho các ngành công nghiệp ở Trung Quốc để giảm lượng khí thải có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, theo đó có khả năng bù đắp việc sử dụng dầu diesel ngày càng nhiều trong sản xuất điện. Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu WTI ở mức 74 USD/thùng và dầu Brent mức 77 USD/thùng vào năm 2022. Trước đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích thị trường cao cấp tại Công ty nghiên cứu Rystad Energy cũng bổ sung, một số nhà đầu tư lo ngại bong bóng nhà đất Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này và do đó ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ.
Trong nước, ngày 29.9, giá xăng dầu trong nước theo niêm yết của các công ty xăng dầu phổ biến ở mức: xăng E5 RON92 20.716 đồng/lít, xăng RON95 21.945 đồng/lít, dầu diesel 16.586 đồng/lít, dầu hỏa 15.643 đồng/lít, dầu mazut 16.580 đồng/kg.
Bình luận (0)