Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu xem xét xuất dự trữ thương mại để đáp ứng nhu cầu cho hệ thống, ứng cứu cho địa bàn thiếu xăng dầu cục bộ. Các doanh nghiệp đầu mối được Bộ nêu tên và yêu cầu "chia sẻ nguồn cung dự trữ thương mại, kể cả việc tăng sản lượng nhập khẩu" bao gồm: Tập đoàn Dầu Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ…
Cửa hàng xăng dầu của hệ thống Petrolimex cũng rơi vào tình cảnh "hết xăng còn dầu" trong mấy ngày qua (hình chụp cây xăng Petrolimex tại TP.HCM ngày 1.11) |
CHÍ NHÂN |
Thực tế, trong những ngày qua, khi tình trạng gián đoạn nguồn cung, đứt gãy cục bộ diễn ra tại nhiều thành phố lớn, ngay các cửa hàng xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối kể trên cũng liên tục bị gián đoạn nguồn cung. Khảo sát của phóng viên Báo Thanh Niên, trong các ngày 31.10, 1 - 2.11, nhiều cửa hàng trực thuộc hoặc nhượng quyền của các "ông lớn" xăng dầu như Petrolimex, Thanh Lễ, Mipec... đều xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung, có nơi bán đến giờ trưa là hết xăng.
Theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều năm qua, dự trữ thương mại trung bình của các doanh nghiệp đầu mối rất thấp, chỉ đạt 5 - 6 ngày.
Trên thế giới, giá dầu thô sáng nay lại quay đầu giảm sau khi tăng vọt gần 2% phiên trước. Dầu WTI mất 0,8% về 89,28 USD/thùng, dầu Brent mất 0,6% về 95,59 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch khuya 2.11, giá dầu thô Brent tăng 1,6% lên 96,16 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,8% lên 90 USD/thùng.
Reuters cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua giảm khoảng 3,1 triệu thùng, tồn kho xăng cũng giảm trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng nhẹ trước mùa đông năm nay trong bối cảnh nhu cầu dự kiến sẽ tăng. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga cũng sẽ bắt đầu từ ngày 5.12. Nhiều dự báo cho thấy, nguồn cung có thể thắt chặt trong thời gian tới.
Bình luận