Ngày 3.8, giá xăng dầu kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần trượt dốc gần 4%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 1. Theo đó, giá dầu Brent giảm 2,71 USD, tương đương 3,41%, xuống 76,81 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 2,79 USD, tương đương 3,66%, xuống 73,52 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm cả 2 loại dầu chuẩn này cùng giảm hơn 3 USD.
Theo Reuters, báo cáo của Cục Thống kê lao động của Bộ Lao động Mỹ đã đẩy giá dầu lao dốc đột ngột. Báo cáo cho thấy, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 114.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức 215.000 việc làm/tháng được thêm vào trong 12 tháng qua và mức 200.000 việc làm mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Cùng với tăng trưởng việc làm tại Mỹ thấp hơn nhiều so với dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 4,3% làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái.
Các nhà phân tích nhận xét, thị trường dầu đang chuyển mối lo lắng từ xung đột địa chính trị sang dữ liệu kinh tế. Ngoài Mỹ, mới đây, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - cũng giảm nhập khẩu dầu thô, hoạt động lọc dầu tại nước này cũng thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất tại nhiều nước ở châu Á, châu Âu và Mỹ đều giảm, đẩy nguy cơ kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ dầu.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng trong tháng 7 do nguồn cung của Ả Rập Xê Út phục hồi. Reuters dẫn số liệu từ cuộc khảo sát dựa trên dữ liệu vận chuyển và thông tin từ các nguồn trong ngành cho thấy, trong tháng 7, OPEC đã bơm 26,70 triệu thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 6.
Trong nước, giá dầu thế giới giảm mạnh, đẩy chiết khấu bán lẻ xăng dầu tăng. Sáng 3.8, chiết khấu đại lý, lấy hàng tại kho khu vực phía Bắc được các thương nhân phân phối và đầu mối báo dao động từ 1.500 - 1.800 đồng/lít; lấy hàng tại các kho khu vực phía nam thấp hơn, dao động từ 1.200 - 1.250 đồng/lít.
Bình luận (0)