Ngày 7.10, giá xăng dầu tăng nhẹ trong phiên cuối tuần. Theo đó, giá dầu Brent chốt phiên tăng 51 cent, tương đương 0,61%, lên 84,58 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 48 cent, tương đương 0,51%, lên 82,79 USD/thùng.
Tuy vậy, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 11% và dầu WTI giảm gần 9%.
Ngay cả khi nguồn cung giảm mạnh vẫn không khỏa lấp được nỗi lo lãi suất cao liên tục, đồng USD tăng mạnh, lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, đẩy nhu cầu nhiên liệu giảm.
Thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã tăng thêm 336.000 việc làm trong tháng 9, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế về mức tăng 170.000. Điều này sẽ là tín hiệu chặn đà giảm giá dầu. Bên cạnh đó, báo cáo về du lịch của Trung Quốc tăng, tạo kỳ vọng về giá cả. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết nền kinh tế Mỹ mạnh chỉ có thể thúc đẩy tâm lý về nhu cầu dầu trong ngắn hạn.
Trong nước, giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cập nhật đến tối 6.10 cho thấy đà giảm giá mạnh. Mức chênh lệch giữa giá xăng dầu nhập khẩu và giá bán trong nước khá cao, có mặt hàng thành phẩm nhập khẩu thấp hơn giá trong nước gần 2.000 đồng/lít. Nhiều dự báo cho thấy, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (11.10) có thể giảm mạnh, mức giảm của giá dầu được dự báo thấp hơn mức giảm của giá xăng. Tuy vậy, còn quá sớm để có dự báo chính xác bởi giá dầu thế giới còn ít nhất 3 phiên giao dịch trong tuần tới trước khi cơ quan điều hành chốt giá cơ sở điều chỉnh kỳ tới.
Trong diễn biến khác, chiết khấu bán lẻ xăng dầu tại một số kho khu vực phía bắc vẫn ở mức rất cao, lên đến 3.000 đồng/lít.
Ngày 7.10, giá xăng dầu bán lẻ của Petrolimex phổ biến tại vùng 1 như sau: xăng RON 95-V 25.370 đồng/lít, xăng RON 95-III 24.840 đồng/lít, xăng E5 RON92 23.500 đồng/lít, dầu diesel 23.590 đồng/lít, dầu hỏa 23.810 đồng/lít và dầu mazut 17.450 - 20.320 đồng/kg. Giá bán lẻ tại vùng 2 cao hơn khoảng 500 đồng/lít xăng.
Bình luận (0)