Đầu giờ sáng nay (14.8, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 9 nhích 6 cent, tương đương 0,14%, lên 42,3 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 10 dầu Brent cũng nhích 7 cent, tương đương 0,16%, lên 45,03 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đã giảm 1% kết thúc phiên đêm hôm qua (13.8), dầu WTI giao tháng 9 mất 43 cent về 42,24 USD/thùng và dầu Brent mất 47 cent về 44,96 USD/thùng.
Theo MarketWatch, các hợp đồng đầu thô quay đầu giảm ngày thứ Năm (13.8) do bị sức ép trước báo cáo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2020 của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA. Theo đó, nhu cầu toàn cầu sẽ giảm sâu trong năm 2020, sụt 8,1 triệu thùng/ngày so với năm trước, nhiều hơn 140.000 thùng so với báo cáo tháng 7. Dự báo nhu cầu dầu trong năm 2020 hiện là 91,9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia trên MarketWatch, báo cáo của IEA chỉ có tác động thoáng qua, giá dầu đã bị lao vào vòng xoáy sụt giảm trước đó khi báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa Mỹ giảm mạnh trong 3 tuần liên tiếp.
Trong khi đó, OPEC đẩy khai thác, nới lỏng giảm sản lượng, từ mức 9,7 triệu thùng/ngày xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 8 và tháng 9. Một số thông tin cho thấy, nhóm giám sát các bộ trưởng OPEC + có thể sẽ tiếp tục nhóm họp trong tuần tới, bàn về thị trường và điều chỉnh một số thỏa thuận cắt giảm sản lượng…
Thực tế, thị trường dầu thế giới đối diện cú sốc vi rút Corona lớn hơn dự báo ban đầu. Mới đây, 5 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, gồm Chevron Corp, Royal Dutch Shell, BP, Exxon Mobil và Total SA, đã cắt giảm gần 50 tỉ USD tổng giá trị tài sản của họ trong quý 2/2020. Các “ông lớn” dầu mỏ này cũng hạn chế sản lượng khai thác giữa lúc đại dịch khiến giá dầu và nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh. Trong 5 công ty trên, Exxon Mobil là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất với sản lượng 3,64 triệu thùng/ngày, nhưng đại dịch đã khiến sản lượng của công ty này giảm 408.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ quý 1 đến quý 2 năm nay. 5 công ty trên đã cắt giảm tổng mức chi tiêu vốn lên đến 25 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Theo Bloomberg, việc cắt giảm đáng kể giá trị tài sản và sản lượng dầu mỏ cho thấy ảnh hưởng nặng nề mà cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây ra với ngành này trong quý 2 năm nay, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đến cuối năm. Hiện nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm 30%.
Trong nước, ngày 14.8, tại vùng 1, xăng RON 95-IV ở mức giá cao nhất 15.020 đồng/lít, xăng RON 95-III giá 14.920 đồng/lít, E5 RON 92-II 14.400 đồng/lít, dầu DO 0,001S-V 12.200 đồng/lít và DO 0,05S-II 10.200 đồng/lít. Ở vùng 2, giá xăng RON 95-IV cao nhất với 15.320 đồng/lít, RON 95-III ở mức 15.210 đồng/lít, xăng E5 RON 92-II 14.680 đồng/lít, dầu DO 0,001S-V 12.440 đồng/lít và DO 0,05S-II 10.400 đồng/lít.
Bình luận (0)