Ngày 2.12, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI và dầu Brent tiếp tục giảm gần 1%, giao dịch lần lượt ở mức 44 USD và 47 USD/thùng. Các hợp đồng dầu thô tương lai hôm nay cũng giảm mạnh.
Theo kế hoạch, OPEC+ dự kiến có cuộc họp liên quan việc gia tăng sản lượng khai thác từ đầu năm tới trong ngày 1.12. Tuy nhiên, cuộc họp đã bị hoãn do các bên tham gia còn bất đồng ý kiến. Nhiều quốc gia vẫn chưa đồng ý về việc tiếp tục gia hạn giảm sản lượng hay quay trở lại mức khai thác như trước trong bối cảnh nhu cầu còn yếu.. Na Uy là quốc gia không thuộc OPEC+ cũng vừa tuyên bố sẽ chấm dứt cắt giảm sản lượng từ cuối tháng 12.2020. Trước đó, tháng 6.2020, Na Uy đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô 250.000 thùng/ngày và duy trì mức sản xuất thấp hơn 134.000 thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm 2020. Dự kiến, cuộc họp nói trên sẽ diễn ra vào cuối tuần này
Bên cạnh đó, bóng ma Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, gia tăng áp lực lên giá dầu. Theo các nhà phân tích trên Reuters, đại dịch và những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tiếp tục gia tăng trong khoảng thời gian Tổng thống Donald Trump đang tại vị cũng khiến giá dầu lao dốc.
Ở trong nước, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng của năm, xuất khẩu xăng dầu đã giảm mạnh 34% về lượng (đạt 1,85 triệu tấn), giảm gần 31% về giá (đạt hơn 787 triệu USD) so cùng kỳ năm ngoái. Tính hết tháng 10, Campuchia tiếp tục là thị trường tiêu thụ mạnh xăng dầu của Việt Nam với hơn 519.100 tấn, tương đương gần 205 triệu USD. Giá xuất khẩu xăng dầu sang Campuchia trung bình hơn 394 USD/tấn, thấp hơn nhiều giá xuất trung binh của các thị trường là 426,7 USD/tấn. Thị trường thứ 2 là Trung Quốc. Trong 10 tháng, Trung Quốc mua từ Việt Nam 218.206 tấn xăng dầu, tương đương hơn 111 triệu USD.
Ngày 2.12, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 14.494 đồng/lít, xăng RON95 15.351 đồng/lít; dầu diesel 11.434 đồng/lít; dầu hỏa 10.138 đồng/lít và dầu mazut 11.742 đồng/kg.
Bình luận (0)