Ngày 25.6, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 8 nhích nhẹ 7 cent, tương đương 0,18%, lên 38,08 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 9 cũng thêm 8 cent, lên 38,29 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 8 mất 1 cent, dừng ở 40,3 USD/thùng; giao tháng 9 nhích 3 cent, tương đương 0,07%, lên 40,56 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu thô tương lai bị sụt gần 6% khi kết thúc phiên 24.6 (rạng sáng 25.6, theo giờ Việt Nam). Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 sụt 2,36 USD, tương đương gần 5,9%, xuống 38,01 USD/thùng. Đây cũng là phiên đóng ở mức thấp nhất trong tuần qua. Còn dầu Brent giao tháng 8 cũng mất 2,32 USD, tương đương 5,4%, còn 40,31 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 10 ngày qua.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin có sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ, Trung Quốc và châu Mỹ La-tinh đẩy lo lắng về khả năng xuất hiện làn sóng nhiễm bệnh thứ 2 của đại dịch Covid-19 cao hơn, khiến nhà đầu tư nghi ngại về nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch. Ngày 25.6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế năm 2020 sụt giảm 4,9% và cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới suy thoái chưa từng thấy. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM là Lukman Otunuga nhận định, giá dầu sụt giảm liên tiếp trong tuần này do bị ảnh hưởng bởi nguồn cung tăng, cho dù Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã nỗ lực cắt giảm nhằm cân bằng thị trường.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô Mỹ tăng tuần thứ 3 liên tiếp, cộng 1,4 triệu thùng khi kết thúc tuần trước, tuy thấp hơn so với dự báo 1,7 triệu thùng của Viện xăng dầu Mỹ nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 100.000 thùng từ các chuyên gia trước đây. Ngoài ra, dữ liệu của Viện xăng dầu Mỹ cũng cho thấy, sản lượng dầu thô Mỹ đang tăng 500.000 thùng mỗi ngày, lên 11 triệu thùng/ngày.
Thực tế, nhu cầu dầu toàn cầu có dấu hiệu phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, kết hợp với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của thị trường này chính là tình trạng lây lan và gia tăng số ca nhiễm Covid-19, chặn đà phục hồi thị trường. Trong diễn biến mới khác, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới sau khi ồ ạt nhập khẩu dầu giá rẻ trong tháng 6 này, dự kiến đạt 58 triệu tấn/tháng, tăng hơn 39% so với tháng 5, nay đang hạn chế mua lại trong quý 3 tới. Trong tháng 7, theo Reuters, Trung Quốc tập trung… bốc dỡ hàng xuống cảng do lượng tàu chở dầu neo đậu ngoài khơi Trung Quốc đang tăng mạnh, lên đến 200 tàu trong tháng 6 này.
Ở trong nước, cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 6, nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh đến 65,6%. Tại kỳ điều chỉnh ngày 12.6, giá xăng dầu trong nước tăng gần 1.000 đồng/lít. Theo bảng giá bán lẻ xăng dầu bán lẻ ngày 25.6 của Petrolimex, xăng RON95 từ 14.080 đồng/lít, xăng E5 RON92 từ 13.390 đồng/lít, dầu diesel từ 11.510 đồng/lít và dầu hỏa từ 9.610 đồng/lít.
Bình luận (0)