Giá xăng và hồi phục kinh tế

28/10/2021 05:00 GMT+7

Sau 4 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Xăng dầu trong nước tăng giảm theo giá thế giới nên đây là điều không thể tránh khỏi.

Ngặt nỗi kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau 1 quý sụt giảm mạnh vì giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Nên việc tính toán giá cả các mặt hàng thiết yếu đầu vào như xăng, điện… để hỗ trợ cho mục tiêu chung là rất cần thiết và cấp bách.

Đầu tiên phải nói cho rõ, dù tăng theo giá thế giới, nhưng muốn giảm giá xăng dầu trong nước ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn còn một công cụ quan trọng: thuế. Theo tính toán, giá xăng dầu đang gánh nhiều loại thuế với tổng cộng khoảng 35 - 40%, một tỷ lệ rất cao. Thế nên, muốn giảm giá thì phải giảm thuế. Còn giảm các loại thuế nào thì đã được các chuyên gia kinh tế, chuyên gia ngành chỉ rất rõ. Các cơ quan có thẩm quyền cũng chẳng xa lạ gì việc này. Việc xăng dầu “cõng” quá nhiều loại thuế, phí đã được đề cập khá nhiều lần trước đây. Nhưng cũng như rất nhiều các đề xuất giảm thuế, phí, nỗi lo hụt thu ngân sách luôn là lý do để những kiến nghị này không được xem xét.

Bối cảnh hiện nay thì khác hơn. Chúng ta đang trong giai đoạn mở cửa phục hồi kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội chống dịch Covid-19. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các gói an sinh xã hội cũng đang được triển khai rốt ráo để giúp người dân có thêm khoản chi dùng. Tổng cầu - tổng cung đang phối hợp nhịp nhàng, kỳ vọng quý 4 chúng ta sẽ phục hồi lại đà tăng trưởng sụt giảm trước đó. Thế nên, nếu cứ để giá xăng dầu cao chót vót vào thời điểm này, thì chẳng khác nào “vô hiệu hóa” và uổng phí các nỗ lực nói trên.

Chúng ta đều biết xăng dầu là mặt hàng đầu vào thiết yếu. Xăng dầu tăng thì mọi giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng theo. Hôm qua, nhiều công ty vận tải cho biết đang tính toán tăng cước phí lên từ 10 - 20% sau khi xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh. Vận chuyển tăng thì giá hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm… chắc chắn sẽ tăng. Cũng hôm qua, giá thịt heo tăng phiên thứ 4 liên tiếp với mức tăng mạnh.

Trong khi đó, thu nhập của đại bộ phận người dân đã giảm mạnh do dịch bệnh. Nếu hàng hóa đắt đỏ thì chỉ còn cách duy nhất là thắt lưng buộc bụng, bóp chặt chi tiêu. Đừng nói đến các nhu cầu không thiết yếu, đến cả mâm cơm hằng ngày, nhiều bà nội trợ chắc chắn cũng phải gói ghém để khoản thu nhập ít ỏi đủ chi dùng đến cuối tháng. Tổng cầu giảm, tổng cung tức khắc phải giảm theo. Các đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ phải điều chỉnh công suất vì tiêu thụ không được. Việc này chung quy lại cũng ảnh hưởng tới số thu ngân sách…

Giảm thuế để giảm giá xăng dầu, ngân sách sẽ hụt thu một khoản không nhỏ. Nhưng để giá xăng dầu cao chót vót, ngân sách có thể sẽ hụt thu một khoản rất lớn nếu đà hồi phục kinh tế, như phân tích trên bị ảnh hưởng.

“Bỏ con tép, bắt con tôm” hay cứ thu cho đủ trước mắt còn chuyện phục hồi kinh tế… tính sau, câu trả lời thuộc về các nhà làm chính sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.