Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi đến Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (VAMI) về chính sách “gỡ khó” cho công nghiệp ô tô trong nước. Cụ thể, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho phần giá trị sản xuất trong nước, áp dụng đối với linh kiện phụ tùng ô tô. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về kiến nghị này.
Trước đó, Bộ Công thương và Công ty Hyundai Thành Công cũng đã kiến nghị lên Bộ Tài chính xem xét miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Một số nước Đông Nam Á đã miễn giảm
Tại VN, số liệu của VAMI cho thấy chỉ có loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách trên 25 chỗ ngồi có tỷ lệ nội địa hóa linh kiện phụ tùng khá tốt, còn lại hầu hết là nhập khẩu linh kiện để lắp ráp trong nước. Đặc biệt, 20 năm qua, mặc dù có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp ô tô trong nước, song tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại VN còn rất thấp. Số liệu cho thấy, ô tô dưới 9 chỗ có tỷ lệ nội địa hóa đạt tầm 7 - 10%. Ngay với DN sản xuất lắp ráp ô tô lớn nhất nước là Trường Hải, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ đạt 15 - 20%.
tin liên quan
Ô tô đang gánh những thuế, phí gì?Nên ủng hộ nhà sản xuất linh kiện trong nước
Trước những lo ngại việc sửa đổi quy định miễn giảm thuế TTĐB cho linh kiện sản xuất trong nước sẽ vi phạm cam kết WTO, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cam kết thương mại chỉ liên quan những vấn đề về thuế xuất nhập khẩu, còn thuế TTĐB là quyền quyết định của từng quốc gia, không liên quan gì đến các cam kết WTO. Hiện tại, nhiều nước bỏ hẳn thuế TTĐB với phần linh kiện sản xuất nội địa nhằm bảo hộ khuyến khích sản xuất trong nước. VN nếu cũng làm như vậy thì quá tốt. Bởi thuế này đánh vào người tiêu dùng, chỉ có người tiêu dùng thiệt, trong khi DN sản xuất trong nước chật vật cạnh tranh với linh kiện nhập nước ngoài.
tin liên quan
Việt Nam nhập khẩu 4.217 ô tô từ đầu nămChuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định không chỉ không “đụng chạm” đến cam kết WTO, các cam kết trong hiệp định tự do thương mại khác của VN ký kết với các nước cũng không ảnh hưởng. Chúng ta giảm thuế TTĐB cho cả DN VN, DN liên doanh sản xuất trong nước nếu đầu tư làm nhà máy sản xuất linh kiện trong nước cũng được giảm. Nếu làm như vậy, ai cũng được ủng hộ và tạo sân chơi bình đẳng cho nền công nghiệp ô tô. Tác động tích cực của nó là chính người tiêu dùng được hưởng lợi bởi giá thành lắp ráp ô tô trong nước chắc chắn sẽ giảm.
“Việc áp dụng chính sách này hoàn toàn tốt kèm theo một số hàng rào kỹ thuật hỗ trợ như không khuyến khích nhập khẩu linh kiện mà trong nước sản xuất được, nếu nhập khẩu sẽ bị đánh thuế rất cao. Bên cạnh đó cần đặt ra DN sản xuất ô tô nào có tỷ lệ nội địa hóa càng cao, sẽ được miễn giảm thuế càng nhiều cũng là chính sách tốt”, ông Phong nói thêm.
Hàng chục xe sang nộp thuế hơn 2 tỉ đồng/chiếc
Thông tin từ Đội thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu - Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 2 (Cục Hải quan TP.HCM), đơn vị này vừa làm thủ tục thông quan cho lô xe sang 25 chiếc Porsche với tổng số tiền thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt lên đến 60 tỉ đồng nộp ngân sách. Như vậy, tính trung bình mỗi xe đóng hơn 2 tỉ đồng tiền thuế. Ngoài lô xe này, dự kiến cuối tháng 4 thêm lô xe 12 chiếc Porsche cũng sẽ cập cảng TP.HCM và nếu được thông quan, nhà nhập khẩu phải đóng hơn 25 tỉ đồng tiền thuế.
|
Bình luận (0)