Liên tục tung chiêu giảm giá
Ngày 8.8 vừa qua, Hãng xe Honda VN tuyên bố đồng loạt giảm giá các loại ô tô của hãng đang được bán tại VN với mức giảm sâu nhất lên đến 192 triệu đồng/chiếc cho dòng xe Accord 2.4 AT, từ 1,390 tỉ đồng xuống 1,198 tỉ đồng. Dòng CR-V cũng giảm từ 110 - 170 triệu đồng/chiếc tùy loại. Trước đó, trong tháng 7 năm nay, Honda VN cũng đã công bố chương trình tặng tiền mặt lên đến 50 triệu đồng cho khách hàng mua sản phẩm của hãng. Ngoài Honda VN, đầu tháng 8 này, Hyundai Thành Công cũng tung chương trình khuyến mãi giảm giá đến 70 triệu đồng cho hai mẫu xe SantaFe và Elantra với mục đích “giảm bớt áp lực chi phí mua xe cho người mua”.
Thực tế, từ 3 tháng qua, rất nhiều hãng xe đua nhau giảm giá mạnh, ngay cả các phiên bản xe đời mới gia nhập thị trường cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Ngoài chiếc Accord của Honda giảm gần 200 triệu đồng nói trên, một số nhãn xe cũng giảm cực mạnh như chiếc Grand Vitara của Suzuki giảm đến 170 triệu đồng/chiếc, Odyssey của Honda giảm 200 triệu đồng, Mitsubishi Pajero 3.0 giảm hơn 160 triệu đồng/chiếc. 3 dòng xe Kia, Mazda, Peugeot do Thaco phân phối cũng liên tục giảm giá bán ra từ 30 - 40 triệu đồng/ chiếc. Thậm chí, có những mẫu xe vừa ra mắt được một tuần cũng công bố giảm giá bán đến 45 triệu đồng như dòng Navara bản nâng cấp và X-Trail... của Nissan.
Với Toyota VN, hãng xe nổi tiếng “chảnh” trong làng xe do từng đứng ngoài cuộc đua tranh nhau giảm giá của các nhà sản xuất kinh doanh xe hơi từ đầu năm đến nay, đến tháng 6 vừa qua, mẫu Toyota Land Cuiser đời 2016 đã được hãng này đột ngột giảm đến 130 triệu đồng so với trước và cùng mẫu này phiên bản 2017 cũng được giảm 20 triệu đồng. Ngoài ra, từ tháng 7 đến nay, Toyota VN tung gói hỗ trợ đóng phí trước bạ cho khách mua xe từ 30 - 40 triệu đồng tùy mẫu.
Doanh số giảm đến 27%
Các đợt giảm giá bán liên tục, hàng loạt chương trình khuyến mãi vẫn được nhà kinh doanh kiên trì tung ra, song đổi lại, sức mua trên thị trường lại giảm sút đáng ngạc nhiên. Trong báo cáo bán hàng do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) công bố hôm 8.8 cho thấy, thị trường xe hơi tháng 7 giảm đến 15% so với tháng 6 và giảm đến 27% so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm doanh số sâu nhất trong 5 tháng gần đây. Trong đó, mức tiêu thụ xe của các “ông lớn” đều giảm đáng kể. So với tháng trước, trong tháng 7, doanh số của Thaco giảm 6%, GM giảm 8%, Mercedes-Benz giảm đến 35%, Toyota giảm 37%...
Ông Đặng Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty Chợ xe kiểu Mỹ, nhận xét thực tế cuộc chiến cạnh tranh giảm giá xe hơi của các hãng khá thu hút người mua có nhu cầu. Tuy nhiên, quan sát rất dễ dàng thấy các hãng giảm sâu vào các dòng xe đa dụng, dung tích có động cơ lớn, rất dễ rớt giá nếu muốn đổi xe trong khi các dòng xe phổ thông thì mức giảm vẫn chưa thực sự hấp dẫn lắm. Chẳng hạn chiếc Toyota Vios chỉ được hỗ trợ 30 triệu đóng phí trước bạ. Thế nên, trong tháng 7 vừa qua tiêu thụ dòng xe này giảm sút đến 1.133 chiếc.
Khảo sát tại một số cửa hàng xe đã qua sử dụng nằm trên địa bàn Q.1 và Q.5 (TP.HCM) cho thấy, doanh số bán ra tại các cửa hàng này cũng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm sút từ hơn tháng nay. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ salon xe trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5), cho hay: “Qua trao đổi với khách, tôi có cảm giác họ không quá mặn mà việc phải tậu được chiếc xe bằng mọi giá như trước đây. Thường vấn đề giao thông luôn được khách hàng nhắc đến trong quá trình trao đổi. Đa số khách mua theo hình thức trả góp, nên việc họ cân nhắc cũng là điều dễ hiểu”.
Tại các đô thị lớn như TP.HCM, số lượng xe di chuyển trên đường ngày càng cao trong khi đường sá được mở rộng thêm hầu như không có. Song song đó, dịch vụ xe GrabCar, Uber với giá dễ chịu lại đang phát triển quá tốt tại TP.HCM và Hà Nội, nên sử dụng các dịch vụ này thay vì tậu chiếc xe hơi mới là giải pháp cũng được nhiều người chọn lựa.
Bên cạnh đó, các loại thuế phí vô lý liên quan đến việc tậu một chiếc xe khiến người tiêu dùng có xu hướng “nản” mua xe. Ông Phan Văn Cường (chủ một doanh nghiệp tại Q.Tân Phú, TP.HCM) dẫn chứng, quy định buộc các chủ xe đóng phí đường bộ hằng năm cũng rất vô lý và không công bằng. “Xe để cả năm chỉ chạy đôi ba lần cũng đóng phí bảo trì đường bộ bằng chủ xe lưu thông trên đường hằng ngày, hằng giờ. Quy định này chỉ làm lợi cho các DN kinh doanh vận tải, bởi họ sử dụng giao thông nhiều, với các chủ xe cá nhân ít sử dụng thì vô cùng thiệt thòi. Thế nên, tốt nhất phí này đưa vào giá xăng, ai tiêu thụ xăng nhiều đóng phí bảo trì đường bộ nhiều, sẽ hợp lý hơn”, ông Cường góp ý.
Bình luận (0)