Giá xử lý rác của VWS là trọn gói

02/09/2016 10:26 GMT+7

Cùng với việc truy tìm và xử lý mùi hôi, giá xử lý rác cũng là vấn đề dư luận quan tâm.

Trước những ý kiến cho rằng giá xử lý rác của Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN (VWS), chủ đầu tư bãi rác Đa Phước chưa hợp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, để biết mức giá này cao hay thấp, phải phân tích rõ thực trạng, bản chất và các quy trình, khâu đoạn được bao hàm trong mức giá.
Thực tế từ năm 2006 trở về trước, việc xử lý rác được TP.HCM đầu tư bằng nguồn ngân sách và hầu như chỉ sử dụng công nghệ chôn lấp như tại bãi rác Đông Thạnh, khu xử lý rác Gò Cát, khu xử lý rác Phước Hiệp. Tại thời điểm năm 2005, các bãi chôn lấp rác đều do Công ty môi trường TP quản lý, vận hành và đơn giá chỉ tính chi phí nhân công, chi phí vận chuyển rác từ sàn phân loại lên bãi chôn lấp, chế phẩm EM và đất phủ mỗi ngày.
Cách tính như vậy chưa đầy đủ nên các bãi rác trên thường xuyên bị đe dọa vì ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi và sự cố sụt lún. Vì thế, TP đã quyết định đóng bãi rác Đông Thạnh ở H.Hóc Môn và khẩn trương tìm địa điểm mới ở ngoại thành, đồng thời kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách với các công nghệ tiên tiến hơn.

tin liên quan

'Vua rác' nói gì về mùi hôi ?
Việc dân cư khu Phú Mỹ Hưng, Q.7, H.Nhà Bè (TP.HCM) phản ứng dữ dội vì phải sống chung với mùi hôi thối đang gây xôn xao dư luận.
Giá trọn gói
Trong bối cảnh đó, VWS là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình xã hội hóa, tự bỏ vốn đầu tư 100% vào lĩnh vực xử lý rác. Vì vậy, đơn giá xử lý rác của VWS được TP phê duyệt căn cứ theo các khoản chi phí cần đầu tư để đảm bảo xử lý rác triệt để, an toàn cho môi trường và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh. Cụ thể gồm: Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu hỗn hợp xử lý rác; Chi phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước rỉ rác, khí của bãi chôn lấp; Trạm quan trắc chất lượng môi trường bãi chôn lấp; Chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng như giám sát, vận hành bãi chôn lấp, bảo trì máy móc thiết bị trong quá trình hoạt động và chi phí bảo trì bãi chôn lấp 28 năm sau khi đóng bãi; chi phí khác như thuế, lãi… Theo đó, tổng chi phí của dự án là hơn 426,513 triệu USD, sau khi trừ đi khoản thu được ước tính từ việc tái chế và bán phế liệu cùng khoản ứng trước của TP thì tổng chi phí còn lại là 393,6 triệu USD. Mức chi phí này để xử lý cho 24 triệu tấn rác trong thời gian 22 năm và tính ra cho đơn giá xử lý 1 tấn rác là 16,4 USD.
Nhiều nước trên thế giới coi công nghệ đốt truyền thống đã lỗi thời, không khuyến khích, thậm chí cấm sử dụng lò đốt. Cách đây nhiều năm tại Nhật cũng đã lắp hàng nghìn lò đốt chất thải sinh hoạt cỡ nhỏ, nhiều lò nằm trong hoặc gần khu dân cư và sau đó họ đã mất rất nhiều năm để giải quyết hậu quả của việc đầu tư tràn lan này
Một chuyên gia xử lý rác
Phù hợp với thực tế
Để thu hút nhà đầu tư và đảm bảo quá trình thực hiện dự án được ổn định trong thời gian dài, TP đã thông qua nguyên tắc điều chỉnh đơn giá trên cơ sở chỉ số CPI do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm (nếu CPI tăng trên 3%/năm thì đơn giá xử lý rác tăng tối đa 3%. Nếu CPI tăng thấp hơn 3%/năm thì tính theo CPI trên thực tế và nếu CPI là âm thì sẽ giữ nguyên mức giá của năm trước). Vì vậy, đơn giá xử lý rác của VWS đã được điều chỉnh với mức tăng thêm 3%/năm từ năm 2006 đến nay và hiện đơn giá này là 20,166 USD/tấn. Cũng theo báo cáo này, đơn giá xử lý rác của Công ty VWS cũng gần tương đương với đơn giá xử lý rác tại nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa là 20,38 USD/tấn và đơn giá tại nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Vietstar là 19 USD/tấn.
Tuy nhiên, đơn giá của Công ty VWS đã bao gồm chi phí vận hành bãi rác thời gian 28 năm sau khi đóng bãi. Trong khi hai công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar sử dụng công nghệ khác nên không phát sinh chi phí vận hành sau khi đóng bãi. Hơn nữa, sau khi hết thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, Công ty VWS sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất sạch 128 ha sử dụng của dự án cho TP.
Sau khi có nhiều ý kiến cho rằng giá xử lý rác của VWS là chưa hợp lý, ngày 16.3.2016, UBND TPHCM đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy khẳng định: Quá trình thẩm định đơn giá xử lý rác của Công ty VWS đã được các sở ngành chuyên môn của thành phố tham gia đóng góp ý kiến, đã được UBND TP báo cáo xin ý kiến Bộ Kế hoạch - Đầu tư và đã được Thủ tướng chấp thuận. “Những ý kiến nêu giá xử lý giác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước là bất thường, bất hợp lý là không có cơ sở” - báo cáo viết.
Nói về giá, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định so sánh đơn giá giữa các đơn vị xử lý rác khác nhau là chưa hợp lý, vì sẽ không thể có chuyện giá bằng nhau giữa các nhà máy xử lý rác do sử dụng công nghệ khác nhau, địa điểm khác nhau và quy mô cũng khác nhau. Việc so sánh để nói rằng giá đó là cao hay thấp chỉ có thể thực hiện được nếu như các công ty cùng tham gia đấu thầu một dự án, cùng một công nghệ và quy mô... và kết quả công ty đưa giá cao lại trúng thầu trong khi đơn vị có giá thầu lại bị rớt thầu. Nếu có chuyện đó xảy ra thì mới là “bất thường”.
Đốt rác chi phí rất cao
Trước luồng ý kiến cho rằng việc chôn lấp rác thải sẽ không giải quyết triệt để mùi hôi mà phải sử dụng công nghệ đốt, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đốt rác theo phương pháp truyền thống, công nghệ cũ thì nguy cơ ô nhiễm càng cao trong khi áp dụng công nghệ hiện đại chi phí sẽ rất lớn.
Theo một chuyên gia về xử lý chất thải tại TP.HCM chia sẻ: Nhiều nước trên thế giới coi công nghệ đốt truyền thống đã lỗi thời, không khuyến khích, thậm chí cấm sử dụng lò đốt. Cách đây nhiều năm tại Nhật cũng đã lắp hàng nghìn lò đốt chất thải sinh hoạt cỡ nhỏ, nhiều lò nằm trong hoặc gần khu dân cư và sau đó họ đã mất rất nhiều năm để giải quyết hậu quả của việc đầu tư tràn lan này.
Thời gian gần đây thế giới bắt đầu chuyển sang đốt rác bằng công nghệ plasma. Đây được coi là công nghệ tiên tiến, có khả năng xử lý triệt để các chất độc hại và tái sinh năng lượng. Dùng hệ thống đèn plasma đốt đưa nhiệt độ lên cao 3.000°C - 7.000°C trong điều kiện thiếu ô xy tiêu hủy các loại chất thải. Công nghệ plasma khắc phục được hầu hết các hạn chế trong các phương pháp xử lý chất thải khác trước đây như chôn lấp hay phương pháp đốt truyền thống. Nhiều nước phát triển như: Mỹ, Israel, Nhật Bản, châu Âu đang ưu tiên sử dụng công nghệ này.
Năm 2015, một doanh nghiệp của Úc cũng chào công nghệ này với TP.HCM. Theo TS Phan Minh Tân - Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, vấn đề lớn của TP hiện nay là dự án đốt rác bằng công nghệ plasma khi đầu tư vào TP nằm ở giá trị đầu tư ban đầu khá lớn, buộc các chủ đầu tư phải kéo chi phí xử lý rác lên cao. Đơn giá mà hầu hết các chủ đầu tư công nghệ plasma đưa ra là 32 USD/tấn cho rác sinh hoạt và 60 USD/tấn cho bùn thải. Mức giá này tuy bằng với mức giá chung của thế giới, nhưng cao hơn rất nhiều chi phí mà TP chi trả cho các dự án xử lý rác khác, vốn áp dụng mức giá chỉ từ 17 - 21 USD/tấn. “TP.HCM hiện có nhiều đơn vị thực hiện xử lý rác thải với giá khác nhau. Đấy là điều hết sức bình thường”, một chuyên gia nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.