'Với chúng ta, dù mỗi người có hoàn cảnh xuất phát điểm khác nhau, nhưng lòng quyết tâm, sự ham muốn vươn lên và nỗ lực lập kế hoạch hợp lý sẽ đưa ta đến mục tiêu đề ra', Dương Trọng Huế, chia sẻ.
Dương Trọng Huế
|
Từ giấc mơ anh hùng Tam Quốc
Đêm hè đom đóm lập lòe, tôi và cậu em họ nằm tán gẫu giữa sân gạch trên chiếc chiếu cói phủ lên lớp lúa tươi mới gặt mà ngắm sao trời dày đặc, chỉ mơ sau này làm anh hùng Tam Quốc. Cậu em muốn làm Quan Vân Trường hay vác gậy tre thay cho thanh long đao, còn tôi muốn làm Khổng Minh vì chỉ cần ở trong lều tranh hẻo lánh mà cũng thấu hiểu thời thế thiên hạ.
Tôi học tiểu học cũng khá, nhưng khi gia đình chuyển vào Huế với ba, tôi học tụt hẳn vì xa môi trường quen thuộc và hay bị nhại giọng. Đến những năm đầu 1990, tôi lại theo gia đình chuyển ra Quảng Trị. Lần này thì tôi bị mong đợi là học giỏi vì từ thành phố ra tỉnh. Tỉnh mới thành lập nên ba mẹ tôi bận việc công sở, tôi chán áp lực học, bỏ đi chơi với lũ trẻ con lem luốc nuôi cá cảnh, bày trò vớ vẩn.
Vào cấp ba, tôi chẳng thấy mình khá lên. Giai đoạn này, học sinh tỉnh lẻ tiếp cận phim chưởng Hồng Kông nhiều, suốt ngày múa may võ nghệ đánh lộn nhau. Tôi chỉ thích môn lý và văn nhưng không đam mê.
Năm tôi học lớp 11, hai chị em tôi rủ nhau đi học trung tâm Anh ngữ. Tự nhiên tôi cảm thấy thích thú với những lớp học buổi tối. Các bài đọc nghe Streamline như phơi bày trước mắt tôi nền văn hóa và cuộc sống khác lạ với những thứ xung quanh mà lúc ấy tôi cho là tẻ nhạt.
Vậy là tôi lao vào học Anh ngữ. Tôi mải miết đọc và mượn những quyển sách cũ kỹ từ bạn chị tôi để đọc thêm. Thời đó sách hiếm nên mượn được quyển sách hoặc băng nhạc tiếng Anh nào là tôi thích lắm, cố gắng đọc, nghe và ghi ra cho kỳ được.
Chị tôi xinh gái, nhiều anh theo. Có hai anh tôi thích nhất đều học Đại học Tổng hợp Huế. Một anh giỏi lý, anh kia giỏi toán. Thế nên tôi chỉ thích vào Đại học Tổng hợp chứ không thích nơi khác. Môn toán tôi học không say mê lắm nên anh giỏi toán kèm tôi liên tục. Tôi đậu đại học qua được môn toán cũng nhờ người anh rể tương lai ấy.
Đến ước mơ du học
Học đại học với tôi không khó lắm, năm nào tôi cũng có học bổng dù tôi chơi nhiều. Bài luận văn năm cuối tôi phân tích một tác phẩm kinh điển văn học Mỹ “To kill a mocking bird” của nữ văn sĩ Harper Lee. Lúc đó, tôi chỉ chọn làm đề tài vì thấy thú vị mà không biết sau này công trình đó là bước khởi đầu mang tính hệ thống và bài bản dẫn dắt tôi vào con đường khoa học xã hội.
|
|
Tôi biết so với nhiều người khác, giấc mơ du học của tôi hơi muộn màng. Nhưng, các bạn thấy đấy: tôi ở tỉnh lẻ, đến quyển sách thi TOEFL tìm cũng khó, internet thì chưa có mà cơ hội tiếp xúc với người từng đi du học ở tỉnh thì ít ỏi.
Năm 2003, tôi may mắn được Liên Hiệp Quốc tài trợ đi Mỹ tập huấn về đánh giá dự án cộng đồng. Tôi đến Atlanta, được đi thăm Đại học Emory, tôi ngưỡng mộ lắm. Lúc đó, bắt đầu có internet ở tỉnh nhưng chậm rì, phải quay số mô-đem tậm tịt cả buổi mới vào mạng được. Tôi mày mò vào mấy diễn đàn xem người ta xin học bổng đi học thế nào. Càng đọc, càng thấy ham muốn tăng lên.
Cuối năm 2003, tôi tình cờ đọc được một thông báo học bổng một năm ở Thuỵ Sĩ dành cho ngành phát triển. Tôi hăm hở làm hồ sơ, viết bài luận rồi gửi đi. Thật không ngờ, hai tháng sau tôi được họ nhận vào học. Tôi làm đơn xin đi học nhưng chưa được cơ quan đồng ý. Không từ bỏ, năm sau tôi lại nộp hồ sơ chương trình này, may mắn thay tôi lại được. Lần này thì tôi thuyết phục được cơ quan cho đi học và đã có bước đi đầu tiên ra thế giới học thuật bên ngoài.
Khi học ở Thụy Sĩ, tôi may mắn có cơ hội gặp anh Phó Đại sứ của Phái đoàn Việt Nam tại Geneva. Nói chuyện với anh ấy rất thích vì học được những thứ thực tế mà sâu sắc. Anh ấy tham gia đàm phán hiệp định WTO về các vấn đề liên quan đến thuế quan, mậu dịch. Tôi tò mò hỏi anh học ở đâu mà giỏi thế, anh bảo anh học ở Đại học Michigan, Mỹ, theo chương trình học bổng Fulbright.
Trải nghiệm thi học bổng
Đấy là lần đầu tiên tôi nghe đến học bổng Fulbright. Tôi dò hỏi và tìm hiểu về học bổng này và thấy nó vừa lạ lẫm vừa cao vời vợi trong mơ ước của tôi. Và tôi cứ mơ như vậy cho đến khi về Việt Nam, tôi tập trung vào tìm hiểu học bổng qua mọi kênh thông tin tôi có được. Một năm sau, tôi làm hồ sơ ứng tuyển hai học bổng Ford Foundation và Fulbright vì tôi nghĩ hai học bổng này đảm bảo ước mơ đến Mỹ học của tôi, cũng như đáp ứng trọng tâm chuyên ngành của tôi hơn. Tôi nghiền ngẫm viết bài luận đến nát óc, vận dụng kinh nghiệm thực tế vào bài luận để mong nó thật hấp dẫn.
Học bổng Ford năm đó, tôi vào đến vòng knock-out, tức là vòng sau cùng có 50 ứng viên cùng nhau thi thố biện luận trước mặt ban giáo khảo. Khi trình bày, tôi liếc thấy ban giám khảo gật gù, tôi nghĩ mình ổn rồi. Ai dè hôm sau, bà giám đốc chương trình gọi tôi vào hỏi tôi có xin học bổng nào nữa không, và rằng tiếng Anh tôi tốt nên bà ấy thấy tôi có nhiều cơ hội khác. Tôi lờ mờ cảm thấy có gì đó không ổn vì học bổng này ưu tiên người ở tỉnh mà họ bảo mình còn có cơ hội khác là có hàm ý rồi.
Mấy tuần sau tôi nhận thư từ chối từ Quỹ Ford, tôi thất vọng dù phần nào đoán được kết quả. Tôi bèn ráng sức cho học bổng Fulbright. Có những ngày tôi học TOEFL và viết bài luận ở văn phòng quên ăn trưa, vợ tôi phải chạy xe máy đưa cơm cho. Trưa hè, tôi ra đại lý internet mới mở ở trung tâm thị xã để tranh thủ chát yahoo với anh cựu Fulbright ở Thụy Sĩ hỏi anh ấy kinh nghiệm.
Tháng 11 năm ấy, tôi qua vòng phỏng vấn cuối cùng ở Sài Gòn và khoảng ba tuần sau tôi nhận thư của Đại sứ Michael Marine thông báo trúng tuyển. Tôi sung sướng khi mình là người đầu tiên ở Quảng Trị nhận học bổng này. Năm 2007, tôi được gửi đến Đại học Iowa học Thạc sĩ Truyền thông.
Bầu trời học thuật phía trước
Tháng ngày lạnh giá tuyết rơi kín trời miền Trung Tây nước Mỹ tưởng như lê thê không ngày kết thúc. Tôi gạt nỗi nhớ gia đình, lao vào học, nghiên cứu và tập thể thao. Tôi làm quen với mấy anh bạn Việt Kiều đến mức như tri kỷ. Kết thúc hai năm học, tôi ra trường với tấm bằng thạc sĩ, giải thưởng của Hiệu trưởng cho báo cáo luận văn kèm theo 100 đôla và một kỷ niệm chương chứng nhận, hai bài báo khoa học xuất bản chung với giáo sư.
Về lại Việt Nam, tôi làm tư vấn một dự án nhưng chỉ ba tháng sau, tôi phỏng vấn vào làm giảng viên Đại học RMIT vì tôi còn vương vấn học thuật lắm, muốn sau này có cơ hội học nữa.
Ngày càng nhiều bạn trẻ chấp nhận thử thách, khám phá môi trường học tập nơi xứ người - Ảnh: TT
|
Tôi có một may mắn là nơi nào tôi đến cũng có vài người bạn rất tốt. Vài năm sau, một số anh bạn ở Sài Gòn động viên hỗ trợ tôi mua căn hộ ổn định cuộc sống. Điều này đã làm tôi yên tâm, tập trung vào công việc và theo đuổi giấc mơ tiến sĩ của mình. Tôi được một anh bạn mời tham gia vào ban quản trị công ty của anh ấy, phụ trách chiến lược truyền thông. Tôi cũng tích cực tham gia viết báo chí xã luận. Các anh chị biên tập bảo tôi viết tốt và có lô-gíc. Sau một năm, một số tờ báo lớn đều đề nghị tôi cộng tác. Tôi cũng có năng lực nghiên cứu nên được mời tham gia nhóm nghiên cứu của trường RMIT. Hồ sơ của tôi vì thế cũng tốt lên hẳn.
Sau 5 năm nỗ lực gây dựng gia đình khá yên ổn, nợ nần qua hết, tôi nghĩ mình có thể nghỉ ngơi một chút với gia đình thì ba tôi đột ngột ra đi. Đó là một cú sốc nặng nề, ông có ý nghĩa lớn với chúng tôi. Khi còn sống, ba tôi tuy không nói ra nhưng luôn tự hào về nỗ lực học vấn của tôi và mong tôi đi trọn con đường học thuật. Tôi bèn lao vào ôn luyện thi học bổng tiến sĩ từ các trường tốt trong ngành của tôi ở Mỹ.
Tôi tranh thủ học thi GRE về đêm vì phần thi này khó nhất. Phần toán, tôi điện thoại trao đổi với anh rể, phần từ vựng cao cấp, đọc hiểu phức tạp tôi viết đầy nhà, đi đâu cũng thấy. Tôi cũng ngồi cả đêm viết bài luận, đọc các bài báo liên quan, tìm hiểu trường học và nghiên cứu của các giáo sư, rồi liên hệ người quen để hỏi thông tin, lập trang web giới thiệu bản thân. Mấy tháng trời liên tục như vậy, tôi bỏ cả đàn hát nhảy múa với các bạn Fulbright đồng lứa. Cây đàn treo tường mốc phủ nấm trắng.
Các bài luận tôi chuẩn bị kỹ lưỡng để phù hợp với từng khoa và từng giáo sư, tôi nhờ cả đồng nghiệp bạn hữu hiệu chỉnh. Tôi thi điểm GRE phần đọc và từ vựng tốp đầu, toán thì vừa đủ. Tôi cũng không quên các yếu tố quan trọng khác trong hồ sơ của tôi như thư giới thiệu của giáo sư, bài viết mẫu... Tôi hồi hộp đợi kết quả, chỉ mong mình có thể đậu một trường thôi cũng được để tôi in giấy báo nhận học về đặt lên bàn thờ ba tôi. Không ngờ, tôi nhận được thông tin từ bốn trường đầu tiên thì được cả bốn, kèm theo các đề cử học bổng rất tốt từ Đại học Purdue, Đại học Đại học Maryland College Park, Đại học Georgia và Đại học Kansas.
Tôi biết xung quanh tôi có những người giỏi và thành công hơn tôi rất nhiều nhưng có lẽ họ chưa có thời gian để chia sẻ câu chuyện hấp dẫn của họ. Trong số đó, có một người anh cũng là một Fulbrighter mà tôi kính trọng hiện đang là phó giáo sư của một khoa Báo chí Truyền thông có uy tín ở Mỹ. Tôi coi anh phó giáo sư và anh ở Sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ như những người hướng dẫn (mentor) tốt nhất mà tôi may mắn có được. Bản thân tôi cũng đang cố gắng chuẩn bị cho các thử thách và khám phá bầu trời học tập phía trước cũng như trở thành một mentor tốt cho các thế hệ du học sinh tiếp theo. Vậy nên tôi kể câu chuyện của tôi với các bạn vừa để chia sẻ thông tin, vừa để củng cố thông điệp của các thế hệ du học sinh trước rằng với chúng ta, dù mỗi người có hoàn cảnh xuất phát điểm khác nhau, nhưng lòng quyết tâm, sự ham muốn vươn lên và nỗ lực lập kế hoạch hợp lý sẽ đưa ta đến mục tiêu đề ra.
Bình luận (0)