Giấc mơ của những công dân 2000

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/01/2020 08:30 GMT+7

Nền giáo dục khai phóng, nhiều cơ hội hơn để người nghèo có kế sinh nhai bền vững và một Việt Nam xanh hơn, phát triển bền vững hơn, đó là những kỳ vọng của người trẻ trong thập niên mới.

Trần Phạm Gia Bảo, chào đời lúc 0 giờ 0 phút ngày 1.1.2000, công dân đầu tiên thế kỷ 21 của TP.HCM, sinh viên năm hai Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ ước mơ lớn nhất của anh trong 10 năm tới là nền giáo dục sẽ thay đổi, khai phóng bản thân mỗi học sinh, để người học thật sự được tiếp cận thực tiễn, tham gia trong những công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tế chứ không chỉ chăm chăm thuộc lòng lý thuyết.
“Tôi luôn kỳ vọng vào tất cả những ngôi trường ĐH ở Việt Nam đều được xây dựng nhiều phòng thí nghiệm, thực hành cho sinh viên. Đồng thời, có thêm nhiều ĐH lớn với nhiều trường ĐH nhỏ, tích hợp đầy đủ, đa dạng ngành học như mô hình của những ĐH lớn trên thế giới. 10 năm nữa, tôi hy vọng, những cử nhân, kỹ sư tài năng tốt nghiệp ĐH không bao giờ phải lo sẽ làm việc ở đâu, xin việc như thế nào. Đồng thời, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân tài cho đất nước sẽ trở thành điều hiển nhiên và niềm tự hào của bất cứ công dân trẻ nào xứng đáng”, Trần Phạm Gia Bảo nói.
Kỳ vọng về sự công bằng trong thi cử, đặc biệt những kỳ thi quan trọng như THPT quốc gia, tuyển sinh vào ĐH là suy nghĩ của Phan Thị Nguyễn Nhi, sinh năm 2000, sinh viên năm hai ngành công nghệ hóa, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Bên cạnh đó, bạn trẻ 20 tuổi cũng kỳ vọng, thập niên 2020 - 2030 sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia xanh hơn.
“Tôi mong muốn các sản phẩm từ giấy và những vật liệu tự phân hủy được đưa ra thị trường và sử dụng rộng rãi hơn. Hiện tại, nhiều người trẻ đã có ý thức sống xanh, bảo vệ môi trường, nhưng tôi tin rằng xu hướng này sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ trong thập niên tiếp theo. Mọi người sẽ có ý thức hơn cùng nhau bảo vệ sử dụng đồ tái chế nhiều hơn, khắc phục hiệu quả hơn tình hình không khí, nước bị ô nhiễm, mang lại môi trường sống trong lành cho tất cả mọi người”, Nhi chia sẻ.
Ý kiến
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận  (Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)
       
Tinh thần học tập suốt đời
Trong kỷ nguyên tri thức mở như hiện nay, kết hợp với cách mạng công nghệ 4.0 và việc học tập của mỗi cá nhân là học tập suốt đời, thì vai trò và phương pháp giảng dạy của người thầy giáo trong thế kỷ 21 phải hoàn toàn khác với thế kỷ 20. Cho dù cách mạng công nghệ 4.0 hay 5.0 thì vai trò của người dạy trong việc xây dựng đạo đức và cách sống để cống hiến cho xã hội đối với người học là rất quan trọng. Vì vậy, người dạy học luôn phải là một hình mẫu trước tiên về đạo đức lối sống và cách cống hiến cho xã hội. Tôi rất mong muốn những người thầy truyền tải đến người học trong tinh thần học tập suốt đời, là “bản thân biết sai là mình đã đúng”.
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận 
(Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)
Giúp người khác học tốt hơn và thay đổi chính mình
Giản Tư Trung  (Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE )
       
Giáo dục hay là “giúp người khác học tốt hơn” (help people learn better). Tự học là cốt lõi và quan trọng, nhưng nếu có người và có nơi tiếp sức cho sự học của mình thì hành trình “tự lực khai phóng” của bản thân mình sẽ hiệu quả hơn. Giáo dục còn là giúp người đó biết cách tự thay đổi mình (help people make them better). Chỉ khi hiểu giáo dục theo cách đó thì ta mới có thêm niềm tin vào con người. Nếu không có niềm tin vào con người thì không thể làm giáo dục.
Giản Tư Trung 
(Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE )
Một môi trường cho người học tự khám phá
 Trong vòng một thập niên tới, điều chắc chắn sẽ xảy ra là hầu hết công việc chúng ta đang làm hiện nay, kể cả lao động trí óc như công việc của bác sĩ hay luật sư, sẽ được robot đảm nhiệm. Robot có thể làm nhanh hơn và tốt hơn nhiều. Trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn đang tạo ra những thay đổi chưa từng có trước đây. Thế mà hệ thống giáo dục của chúng ta, về cơ bản không có gì khác so với cách đây hàng trăm năm, vào cái thời của máy hơi nước và máy phát điện. Người ta dùng hệ thống điểm số, thi cử và bằng cấp để đánh giá, để ban thưởng và trừng phạt, để tạo ra áp lực, để hứa hẹn tương lai với người học. Nhưng chính hệ thống cạnh tranh điểm số và thành tích ấy thực chất là trái ngược với bản chất nghệ sĩ và sáng tạo của con người: nó tước đi cơ hội để người ta tìm kiếm một con đường riêng, khám phá những năng lực và đam mê riêng của mình. Giáo dục trong tương lai nhất thiết sẽ phải trở về đúng thực chất của nó: đó không phải là một hệ thống nhồi nhét kiến thức, mà là một môi trường cho người học tự khám phá.
Một thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục
Đăng Nguyên - Mỹ Quyên (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.