Chỉ dài khoảng 30 phút, nhưng #Hashtag 2.0 đã cho thấy hip hop không chỉ là nghệ thuật của đường phố. “Đa phần cộng đồng yêu hip hop tại VN vẫn nghĩ đây là môn nghệ thuật đường phố, nên những nghệ sĩ hip hop nước ngoài như Pockemon Crew khi đến đã mang lại bất ngờ. Họ cho thấy hip hop còn có thể là nghệ thuật mang tính hàn lâm, giống như nghệ thuật múa đương đại”, nghệ sĩ hip hop Phạm Khánh Linh, Trưởng nhóm S.I.N.E, chia sẻ.
Không phải không có những nhóm nhảy hip hop VN được giải thưởng trong khu vực và cả thế giới, nhưng vì sao đến giờ hip hop Việt vẫn còn hiếm khi xuất hiện ở nhà hát trong nước?
Lưu diễn nước ngoài nhưng vẫn khó ra rạp trong nước
S.I.N.E là một trong số rất ít nhóm hip hop VN hoạt động chuyên nghiệp, đi thi đấu và giành nhiều giải thưởng của khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Phạm Khánh Linh cho biết, nhóm đã “gõ cửa” nhiều nhà tài trợ, và phần lớn câu trả lời đáp lại chỉ đến từ những quỹ, tổ chức văn hóa nước ngoài. “Sau khi được những nơi này hỗ trợ, chúng tôi đã mang vở diễn để “bán” cho nhiều nhà hát trong nước, nhưng gần như không có kết quả. Chúng tôi quyết định tiếp tục đem “chào” nhiều nhà hát ở nước ngoài thì bất ngờ lại nhận được nhiều cái gật đầu”, Phạm Khánh Linh nói và cho biết thêm: “Nhiều nhà hát ở nước ngoài thấy thú vị với việc kết hợp giữa hip hop và văn hóa dân gian VN theo cách S.I.N.E đã làm”.
|
S.I.N.E đã mang những màn trình diễn cũng như các vở diễn nghệ thuật đến với khán giả của Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Hàn Quốc... Trưởng nhóm S.I.N.E cho rằng việc nhiều nhà hát hay nhà tài trợ trong nước từ chối là bởi hip hop vẫn chưa được nhìn nhận là loại hình nghệ thuật đứng ngang hàng với các loại hình nghệ thuật đại chúng khác. Thậm chí, có người còn kỳ thị với hip hop.
Bên cạnh đó, việc dàn dựng vở múa hip hop mang tính nghệ thuật không phải dễ. “Để thực hiện một tác phẩm như vậy, phải mất 2 - 3 tháng để các nghệ sĩ tập luyện và cần sự hỗ trợ về nhà hát, không gian luyện tập, đạo cụ… Nếu để một người hay một nhóm tự bỏ chi phí dàn dựng tác phẩm như thế thì không khả thi, vì chi phí khá lớn”, Phạm Khánh Linh cho hay. Ngoài ra, theo anh, vấn đề về con người là yếu tố quan trọng thứ hai. “Không có nhiều vũ công hip hop có thể thực hiện những tác phẩm mang tính hàn lâm”, Linh nói. Một phần lý do còn vì nhiều vũ công hip hop dù đam mê nhưng không thể coi đây là công việc. Ngay như nhóm S.I.N.E hiện có khoảng 23 thành viên, nhưng chỉ có khoảng 13 - 14 người sống bằng nghề (dạy hip hop, biểu diễn, đi thi đấu…), còn lại vẫn phải làm những công việc khác và chỉ coi hip hop là đam mê.
“Hãy cho mọi người biết hip hop tuyệt vời thế nào”
Nghệ sĩ hip hop Karim Felouky (vũ đoàn Pockemon Crew) cho biết, anh cũng như hầu hết nghệ sĩ hip hop ở những vũ đoàn chuyên nghiệp đều có thể sống dễ dàng với nghề. “Ở Pháp, các chương trình văn hóa còn được xem là loại hình kinh doanh, tạo nên các nguồn thu. Nghệ sĩ hip hop có thể tham gia các liên hoan hay các chương trình biểu diễn. Ngoài ra, Pháp còn có chính sách hỗ trợ để nghệ sĩ sáng tạo và sống được với nghề như khi biểu diễn hoặc làm công việc liên quan sẽ được khai thuế và nhận khoản thù lao giống như tiền lương”, nghệ sĩ Karim Felouky cho hay.
Pockemon Crew được thành lập từ năm 2002, hiện gồm 45 vũ công. Vũ đoàn mang tác phẩm của mình đi lưu diễn khắp nước Pháp và ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay khi một số nghệ sĩ của vũ đoàn tham gia tour diễn ở VN và Thái Lan, một số nghệ sĩ khác biểu diễn tại Pháp. Có lúc, trong cùng thời điểm, nghệ sĩ của vũ đoàn biểu diễn tại 3 quốc gia trên thế giới. “Các nghệ sĩ hoạt động theo quy định, một cách chuyên nghiệp, kỷ luật”, biên đạo múa Riyad Fghani nói.
Karim Felouky rất ấn tượng với trình độ kỹ thuật của nghệ sĩ hip hop cũng như những thí sinh tham gia cuộc thi Hanoi All in One - from West to East mà một số thành viên của Pockemon Crew tham gia làm giám khảo nhân chuyến lưu diễn vừa qua. Chia sẻ với những khó khăn mà nghệ sĩ hip hop Việt đang gặp phải, Karim Felouky cho rằng, nếu không tìm được nhà tài trợ ủng hộ, các nghệ sĩ có thể nghĩ đến việc tự bỏ tiền để làm show diễn, chẳng hạn như biểu diễn trên đường phố, vừa để luyện tập nhưng cũng vừa để kiếm tiền đầu tư cho những chương trình tốt hơn với những vở diễn mang tính nghệ thuật. “Hãy cho mọi người biết hip hop tuyệt vời thế nào. Khi công chúng thấy sức hấp dẫn, họ sẽ đến xem và dần quen thuộc, hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này”, Karim Felouky nói.
Biên đạo múa Riyad Fghani thì hy vọng những quan điểm cố hữu rằng “hip hop chẳng có giá trị gì” cần được thay đổi. “Đó là quan điểm vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Nhưng thực tế là nếu hip hop được quan tâm đúng mức, các nghệ sĩ được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất đầy đủ hơn thì nhiều tác phẩm tuyệt vời sẽ được tạo nên”.
Bình luận (0)