‘Giấc mơ’ Việt Nam qua lăng kính độc đáo của họa sĩ Pháp gốc Việt Vincent Monluc

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
10/01/2022 09:46 GMT+7

Tối 9.1 họa sĩ Vincent Monluc đã thực hiện trọn vẹn khát khao lớn nhất của đời mình khi tổ chức triển lãm mỹ thuật Giấc mơ đầy tâm huyết và tình yêu vô bờ với quê nhà Việt Nam, sau bao năm nơi đất khách quê người.

Triển lãm Giấc mơ của họa sĩ Vincent Monluc diễn ra tại Ngõ Art Gallery (tầng 2 tòa nhà Terrace, số 21 Võ Trường Toản, P.Thảo Điền, Q.2 TP.Thủ Đức, TP.HCM) với 95 tác phẩm hội họa chất liệu màu nước, sơn dầu… kéo dài từ 10.1 đến 20.1.

Sở dĩ triển lãm có tên gọi là Giấc mơ bởi đến nay, ở tuổi 70, họa sĩ Vincent Monluc trong mấy mươi năm qua, dù làm nhiều công việc khác nhau tại Pháp nhưng tình yêu hội họa bùng cháy và đặc biệt chuyến trở về hẳn Việt Nam năm 2019 khơi gợi cho anh mạch nguồn sáng tác vô tận.

Tác phẩm Tết về trên bến đò Trần Xuân Soạn TP.HCM

Ruổi rong phố cổ Hà Nội

Nhà hoang trên Côn Đảo

Nhà hát Thành phố

Nói về nghề, họa sĩ Vincent Monluc chia sẻ: “Tôi mê vẽ từ rất lâu, có lẽ từ những tháng năm còn bé, khi tôi chỉ mới cầm được bút chì. 4 -5 tuổi tôi đã tập vẽ rồi, kiểu vẽ con nít, nguệch ngoạc mà say mê vô tư. Hồi xưa, má dẫn tôi đi xem phim xong về tôi vẽ lại các hình ảnh đã xem trong phim. Lớn chút nữa, tôi vẽ phong cảnh. Từ lúc 20 tuổi, tôi bắt đầu vẽ trực họa phong cảnh nước Pháp bằng màu nước bán cho khách du lịch để kiếm sống, trang trải chi phí học đại học. Rồi năm tháng, rồi công việc làm phim, những gánh nặng trách nhiệm, cuốn tôi đi mải miết, mấy mươi năm trời. Chỉ thỉnh thoảng, có thời gian, tôi mới vẽ. Thế nhưng, trong tiềm thức, từ quá khứ đến hiện tại, tôi luôn có trong mình một giấc mơ: được vẽ mãi. Tôi biết giấc mơ này luôn ở đó, cựa quậy, chực chờ, sống động giữa nhiều chiều hướng không gian, thời gian. Và tôi nghe rõ, những thanh âm của giấc mơ mình: được trở về Việt Nam, vẽ tranh về Việt Nam”.

Tranh của Vincent giàu tính nhân văn và tình yêu dành cho quê hương

Họa sĩ Vincent Monluc cũng tiết lộ, lần đầu tiên ông vẽ TP.HCM là ở bến đò Trần Xuân Soạn, có cảnh sông nước, có người lao động từ các miền quê vận chuyển, bốc vác. Về sau, ông vẽ ngoài đường khá nhiều, từ Nam ra Bắc, khám phá Việt Nam thông qua lăng kính hội họa. "Điều tôi quan tâm nhất chính là con người. Cảnh chỉ là phông nền thôi, chỉ là cái cớ để con người xuất hiện. Tôi rất thích vẽ người lao động trên đường phố, bản làng, vùng quê... Đó có thể là một cụ già bán hàng rong giữa trưa nắng chói chang, người đàn ông chạy xe xích lô, chạy xe chở giao hàng, em bé bán vé số, người phụ nữ mua bán ve chai, bán trái cây, người mẹ vùng cao biên giới… Con người Việt Nam lao động, hiền hậu luôn mang cho tôi nhiều cảm xúc. Và chỉ có Việt Nam mới có hình ảnh sinh động, tràn đầy hơi thở cuộc sống đến như thế thôi. Đó là đời sống, là hồn của phố của Việt Nam”, họa sĩ Vincent Monluc tâm sự.

Họa sĩ Vincent Monluc

Ngã sáu Phù Đổng TP.HCM

Neo đậu bến sông

Lăng Ông Bà Chiểu

Côn Đảo

Cố đô Huế

NVCC

Được biết Vincent Monluc (họa sĩ màu nước và sơn dầu) sinh ngày 31.10.1952, tại Sài Gòn, Việt Nam. Năm 1964, khi mới 12 tuổi, ông theo gia đình sang định cư ở Pháp, tiếp tục học phổ thông, thi tú tài và vào Trường Bordeaux Montaigne University, học phần nghệ thuật tạo hình. Ông thi vào Đại học École Nationale Supérieur Des Arts Décoratifs của Paris, học về chuyên ngành phim. Năm 1978, ông nhận giải thưởng cuộc thi nghệ thuật tạo hình CAPES.

Năm 1983, Vincent Monluc là tác giả kiêm đạo diễn thực hiện bộ phim hoạt hình dài 13 phút mang tên Parfum De Nuit (Mùi hương của đêm). Bộ phim đoạt giải thưởng lớn của Ban giám khảo Liên hoan phim hoạt hình Pháp tại thành phố Marly-Le-Roi và giải Grand Prix du Public tại Liên hoan phim ngắn Belfort. Sau đó, ông được Đài Truyền hình Pháp Antenne 2 mua phim và mời làm phim với tác giả Cabu.

30 năm sau khi rời Việt Nam, vào năm 1994, Vincent có một quyết định quan trọng là trở về nước để thành lập một công ty chuyên về phim hoạt hình tên là Armada. Làm việc được một thời gian, công ty chuyển nhượng lại, ông qua Pháp tiếp tục công việc làm phim, nhưng từ đó những thương nhớ với quê hương luôn quay quắt, khiến ông luôn muốn trở về.

Tranh của Vincent Monluc rất khác biệt. Việc lớn lên, học mỹ thuật tại Pháp, có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực phim hoạt hình nên ảnh hưởng nhiều đến kỹ thuật vẽ của ông. Khi về Việt Nam, họa sĩ Vincent có một cách vẽ rất riêng, cách thể hiện mới mẻ. Đó là sự giao thoa giữa phương Tây và châu Á. Tranh của Vincent giàu tính nhân văn, tình yêu dành cho quê hương.

Chợ Bến Thành

Buôn Mê Thuột

Thuyền trên sông Sài Gòn

Bến đò Xuân

Thuyền nhà chở trái cây bên bờ sông Sài Gòn

NVCC

Trước triển lãm Giấc mơ, Vincent từng tổ chức 1 triển lãm cá nhân tại Việt Nam là Home (Quê nhà) vào cuối 2019 và 3 triển lãm ở nước ngoài tại LuxExpo (Luxembourg - 2019), L'Infante Gallery Saint Jean de Luz (Pháp - 2019), Long Boat Key Rectory Gallery Long Boat Key (Mỹ - 2015). Ông cũng tham gia rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước.

Và triển lãm Giấc mơ lần này là nơi Vincent Monluc gửi gắm tình yêu sâu đậm với quê hương, đất nước khi ông quyết định dừng tất cả mọi công việc để vẽ và về hẳn Việt Nam sinh sống trong 3 năm qua để thực hiện một triển lãm đáng xem, bởi trong mỗi bức tranh, tình yêu ông dành cho quê hương xứ sở luôn đầy ắp cảm xúc.

“Khi xem tranh của Vincent Monluc, tôi cảm thấy đây là một họa sĩ có trình độ chuyên môn cao về hình họa và chất liệu màu nước. Ông vẽ màu nước theo cách truyền thống của chất liệu này và đạt hiệu quả rất tốt. Tranh màu nước của họa sĩ Vincent rất đẹp, do trong quá trình thực hiện một cách điêu luyện mỗi khi đặt cọ trên nền giấy sao cho độ loang của màu theo đúng ý đồ của mình. Với kỹ thuật vẽ chồng nhiều màu nước tạo nên độ trong trên nền sáng nhất trong tranh là màu trắng của giấy. Để có được các tranh màu nước đẹp như vậy, nhất là khi vẽ trực tiếp thì họa sĩ Vincent Moluc phải là người có khả năng hình họa rất vững vàng. Kỹ thuật màu nước theo lối vẽ của họa sĩ Vincent Moluc thật sự không đơn giản và luôn mang hiệu quả thẩm mỹ rất tốt”.

Họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.