Một đội ngũ các nhà nghiên cứu phát hiện có thể khoan vào ruột một tiểu hành tinh, xây trạm không gian và khai thác kim loại có giá trị từ bên trong.
|
Chuyên gia Thomas Maindl của Đại học Vienna (Áo) phân tích có hai lợi ích chính nếu thực thi kế hoạch này. Thứ nhất trạm không gian sẽ tránh được sức tàn phá khủng khiếp từ bức xạ vũ trụ và thứ hai cho phép hoạt động khai khoáng diễn ra dễ dàng.
“Nếu chúng ta tìm được một tiểu hành tinh đủ ổn định về mặt kết cấu, có nghĩa là không phải dùng đến các bức tường đặc biệt hoặc bất cứ thứ gì khác để gia cố, có lẽ chúng ta chỉ cần tìm cách chỉnh sửa để toàn bộ tiểu hành tinh đó trở thành một trạm không gian”, theo trang New Scientist dẫn lời tiến sĩ Maindl. Dữ liệu trực quan hình ảnh về dự án tiềm năng vẫn chưa được thành lập và trạm vũ trụ tương lai có thể trông giống bất kỳ thứ gì từ một dạng hang động đơn giản đến phi thuyền cực kỳ tinh xảo và phức tạp như Trạm không gian quốc tế (ISS).
Đối tượng tiềm năng phải là một khối đá chắc chắn, có tốc độ xoay từ 1 - 3 vòng/phút tạo ra đủ lực hấp dẫn cần thiết để dự án được triển khai. Nếu đáp ứng được các điều kiện trên, tiểu hành tinh sẽ tạo ra trọng lực tương tự như điều kiện sao Hỏa, tức 38% so với trọng lực của trái đất.
Trong môi trường này, máy móc có thể duy trì được vị trí thẳng đứng và hoạt động ổn định. Khai thác khoáng sản trên bề mặt của đa số tiểu hành tinh đều bất khả thi vì trọng lực do chúng tạo ra làm vô hiệu hóa mọi máy khoan và các công cụ khác. Nếu đưa cỗ máy vào bên trong tiểu hành tinh, quá trình xoay của máy móc được đồng bộ với bản thân tiểu hành tinh đó, sản sinh ra trọng lực tương ứng và giúp hoạt động khai khoáng có thể diễn ra.
Một số nhà khoa học bác bỏ cuộc nghiên cứu trên với lý do công nghệ hiện nay vẫn chưa cho phép con người hiểu rõ cấu tạo của các tiểu hành tinh để đảm bảo có thể xây dựng một trạm không gian mà không phá hủy hoặc khiến chúng vỡ tan tành.
“Chúng ta vẫn chưa nắm được các đặc điểm tự nhiên của đại đa số các vật thể ở kích thước này (bề ngang khoảng 100 m)”, theo tiến sĩ Peter Vereš của Trung tâm tiểu hành tinh thuộc Hiệp hội Thiên văn quốc tế, trụ sở tại Paris, Pháp.
Bình luận (0)