'Giải cứu' kịch hay

07/04/2015 08:34 GMT+7

Sân khấu kịch TP.HCM nhiều năm nay khá hiếm vở hay. Đã vậy, vì nhiều lý do, các vở này thường đứng trước nguy cơ... xếp xó.

Sân khấu kịch TP.HCM nhiều năm nay khá hiếm vở hay. Đã vậy, vì nhiều lý do, các vở này thường đứng trước nguy cơ... xếp xó.

Lan Phương vai Suzan, Bình Minh vai Vũ Trọng Phụng trong vở Kỹ nghệ lấy Tây - Ảnh: H.K
Lan Phương vai Suzan, Bình Minh vai Vũ Trọng Phụng trong vở Kỹ nghệ lấy Tây - Ảnh: H.K
“Tập hợp diễn viên giờ khó quá !”
Khoảng chục năm nay, sân khấu TP.HCM vẫn sáng đèn đều đặn, nhưng không có mấy vở diễn mang tính đột phá. Đa số vẫn là kịch sinh hoạt, hài, tâm lý nhẹ nhàng, sướt mướt chút đỉnh. Lâu lắm mới có những vở diễn được cả người trong nghề lẫn khán giả đánh giá cao, như Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê (IDECAF), Mẹ và người tình, Nỏ thần, Kỹ nghệ lấy Tây (kịch Phú Nhuận), Sông dài (Hoàng Thái Thanh), Cánh đồng bất tận (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ). Nhưng các vở này có khi đời sống ngắn ngủi khiến những khán giả chưa kịp xem cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Trường hợp đáng tiếc nhất có lẽ là vở kịch lịch sử được dàn dựng công phu, chăm chút Nỏ thần. Với dàn diễn viên lên đến 40 người thì mỗi khi diễn, “bà bầu” Hồng Vân sẽ phải đóng cửa sân khấu Super Bowl đêm đó để dồn hết nhân lực cho sân khấu Phú Nhuận. Bỏ xó 6 năm trời, từ một vở đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2009 giờ trang phục và cảnh trí đã rách nát, coi như quăng bỏ mấy trăm triệu đồng.
NSƯT Thanh Vy (vai Nguyễn Thị Anh), NSƯT Thành Lộc (vai Lê Thánh Tông) trong vở Vua thánh triều Lê - Ảnh: H.K
NSƯT Thanh Vy (vai Nguyễn Thị Anh), NSƯT Thành Lộc (vai Lê Thánh Tông)
trong vở Vua thánh triều Lê - Ảnh: H.K
Lý giải cho tình trạng này, NSND Hồng Vân nói: “Diễn viên bây giờ chạy sô quá nhiều, chúng tôi không tập hợp được. Thí dụ như Bình Minh đóng vai nhà văn Vũ Trọng Phụng và Lan Phương đóng vai Suzan trong Kỹ nghệ lấy Tây mà vắng mặt thì làm sao mà diễn. Còn Nỏ thần “ngốn” gần hết nhân lực rồi, coi như các điểm khác phải ngừng diễn luôn”.
Vở Bí mật vườn Lệ Chi và Vua thánh triều Lê thì quá hoành tráng, sang trọng, quy tụ toàn những diễn viên gạo cội, nên lâu lâu Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn mới dám thuê Nhà hát Bến Thành diễn một đợt cho “thỏa máu nghề”, rồi sau đó cũng phải đành tạm ngưng. Cánh đồng bất tận cũng trong tình trạng bị động do diễn viên chạy sô, ngưng hẳn mấy năm. Đạo diễn Minh Nguyệt kiêm “bà bầu” vở này nói: “Thật sự khi tôi khỏe thì diễn viên bận, còn lúc diễn viên rảnh thì tôi lại bệnh. Khán giả hỏi quá trời, nhưng đành chịu thôi. Bây giờ tập hợp diễn viên khó quá!”. Chỉ có Sông dài của Hoàng Thái Thanh là còn xếp lịch lai rai, tuy nhiên do đổi địa điểm biểu diễn mới nên khán giả không nhiều như trước.
Làm mới vở diễn
Việc mang Dạ cổ hoài lang, một “tượng đài” của sân khấu TP.HCM sau 1975, trở lại với khán giả là một bước đi đầy quyết tâm của sân khấu kịch IDECAF, tạo nên “hiện tượng phòng vé” của sân khấu kịch thời gian gần đây. Dạ cổ hoài lang cho thấy, một khi kịch bản đã hay rồi thì dù có thay diễn viên khác đi nữa vẫn được khán giả đón nhận, miễn là giữ được giá trị tư tưởng và cảm xúc của vở diễn. Vở trải từ Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ cho đến IDECAF dàn dựng, từng thay mười mấy diễn viên trong các vai ông Tư (Thành Lộc, Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng, Hoài Linh), ông Năm (Việt Anh, Hữu Châu), cô gái (Hồng Vân, Phương Linh, Ngọc Trinh, Tường Vy, Quỳnh Anh, Tuyết Vân, Vân Trang), chàng trai (Quốc Thảo, Cao Minh Đạt, Quý Bình, Lương Thế Thành) vậy mà khán giả vẫn đón nhận nồng nhiệt.
Thay diễn viên là một giải pháp có lẽ “tối ưu” trong thời buổi chạy sô tất bật hiện nay. Không chỉ Dạ cổ hoài lang, mà có nhiều vở khác cũng thay diễn viên để bảo đảm lịch diễn. Chẳng hạn vở Ảo và thật đang ăn khách tại Nhà hát kịch sân khấu nhỏ hiện nay, Mỹ Uyên đã thay khi Kim Khánh vắng mặt. Hay trong vở Hãy khóc đi em (Hoàng Thái Thanh), Thanh Thủy ra đi thì Hồng Ánh thay vai người vợ. NSƯT Mỹ Uyên cho biết: “Tôi sẵn sàng thay vai cho các bạn đồng nghiệp, bất kể vai chính hay vai phụ. Tại sao lại mắc cỡ? Quan trọng là vở diễn được ra mắt, khán giả nhớ tới mình, nồi cơm của anh em được đầy, máu nghề của anh em không bị nguội. Làm ra một vở biết bao tâm huyết, sức lực, mà xếp lại thì buồn lắm”.
Các nhà quản lý đều có lý do xem ra “chính đáng” để cắn răng “cất kho” những tác phẩm máu thịt của họ. Nhưng nghĩ kỹ lại, hình như đâu đó phảng phất sự thiếu quyết tâm, không còn mặn mà và “máu” như trước nữa.
Sẽ có diễn viên trẻ đóng Bí mật vườn Lệ Chi
Diễn Bí mật vườn Lệ Chi đối với chúng tôi không chỉ là doanh thu, mà còn là hạnh phúc. Lâu lâu phải có cơ hội làm nghề như vậy thì mình mới đắm say với nghề, giỏi nghề, đi được lâu dài. Chúng tôi không bỏ hẳn vở này, sẽ có những đợt diễn thích hợp. Không có diễn viên lứa đầu thì chúng tôi thay bằng các diễn viên trẻ, vẫn tốt. (NSƯT Hữu Châu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.