'Giải cứu' ùn tắc cảng Cát Lái

13/05/2018 07:16 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc sớm quy hoạch một trung tâm logistics tại TP.HCM sẽ góp phần cắt giảm tình trạng tắc nghẽn phương tiện lưu thông và hàng hóa trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái.

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển
Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó giám đốc tiếp thị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện TP.HCM có tổng cộng 11 cảng làm hàng container và hàng rời, với tổng diện tích trên 310 ha và trên 7.000 m cầu tàu. Tuy nhiên, các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái. Việc tập trung này, khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực, dẫn đến việc phát sinh thêm nhiều các chi phí khác.
Ông Phan Việt Sơn, Trưởng phòng kinh doanh kho bãi dịch vụ xuất nhập khẩu Công ty CP TM Thành Thành Công đồng tình cho rằng, tình trạng phân bố bến, bãi hậu cần cho ngành logistics trên địa bàn TP hiện chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Điển hình là tại khu vực đường vào cảng Cát Lái (Q.2) kẹt xe nghiêm trọng. Vì vậy, TP cần có quy hoạch phân bố hạ tầng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) phát triển.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng nhận định, hiện nay hạ tầng giao thông TP chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù TP đã có nhiều giải pháp đang được triển khai, nhưng tình trạng tắc nghẽn phương tiện và hàng hóa trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, khu vực cụm cảng trung chuyển (ICD) Trường Thọ (Q.Thủ Đức) vẫn diễn ra nghiêm trọng.
Quy hoạch phát triển cần gắn kết hạ tầng giao thông
PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho biết, hiện nay các nguồn hàng đều tập trung về TP.HCM, nhưng hạ tầng tại đây còn thiếu và phân mảnh. Mặc dù, trong năm 2015, Chính phủ đã ký quyết định 200 quy hoạch trung tâm logistics trên cả nước, nhưng cho đến nay TP vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, TP cũng đang có động thái tích cực thể hiện ở đề án quy hoạch phát triển logistics đến năm 2025.
“Muốn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics, trước hết TP phải có trung tâm logistics, để các DN chủ động tham gia cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, phục vụ cho sự phát triển của vùng. Nếu TP không nhanh chóng thực hiện quy hoạch trung tâm logistics, không những sẽ làm chậm tiến trình thực hiện quyết định 200 của Chính phủ, mà các DN trong nước sẽ còn khó khăn trong việc hội nhập, để cung cấp dịch vụ trọn gói cho các DN nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam”, bà Hòa nhấn mạnh.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, việc xây dựng quy hoạch một trung tâm logistics cần phải nghĩ đến vấn đề phát triển và kết nối hạ tầng giao thông trong tương lai. Không chỉ hướng đến phục vụ cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, mà còn phải phục vụ hàng hóa nội địa để đảm bảo chi phí logistics không tăng lên. Tránh việc tỉnh nào cũng thành lập trung tâm logistics nhưng không đủ lớn và năng lực cung cấp dịch vụ không đáp ứng được.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng đồng tình cho rằng việc sớm quy hoạch một trung tâm logistics là điều cần thiết. Tuy nhiên, muốn quy hoạch một trung tâm logistics cần phải gắn kết với việc xây dựng mới hạ tầng giao thông TP. Có thể thấy hạ tầng đường sá xung quanh cảng hiện nay, vẫn chưa đáp ứng được lượng tăng trưởng của hàng hóa ra vào cảng. Từ đó, kéo theo tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại khu vực này. Vì vậy, cần phải quy hoạch lại hạ tầng giao thông toàn bộ.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM năm 2017, ngành logistics của TP đạt 91.541 tỉ đồng, chiếm 8,6% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 14,8% trong khu vực dịch vụ. Đây là ngành có vị trí quan trọng thứ hai trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP, có mức tăng trưởng 10,84% so với cùng kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.