Tình trạng tắc đường khiến xe cấp cứu bị kẹt cứng giữa dòng người, xe cộ thường xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Xe cứu thương kẹt cứng giữa dòng xe cộ đông nghẹt vào sáng 8.9 - Ảnh: Lê Nam
|
8 giờ ngày 8.9, tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Q.Thanh Xuân), sau cơn mưa lớn, giao thông Hà Nội hỗn loạn với hàng ngàn xe cộ, dòng người chật ních, vỉa hè không còn chỗ trống. Giữa “biển xe máy”, ô tô đang nhích từng bước ì ạch dưới cơn mưa nặng hạt, một chiếc xe cấp cứu liên tục hú còi nhưng phải chịu... “bó bánh” giữa vòng vây.
Bế bệnh nhân vào bệnh viện
|
Ghi nhận của chúng tôi tại ngã tư Trần Duy Hưng - đại lộ Thăng Long ngày 8.9 cho thấy, một xe cấp cứu BKS tỉnh Hòa Bình bị kẹt đường, những người ngồi trong xe như ngồi trên đống lửa, còi xe hú liên tục nhưng xe cộ, dòng người vẫn bủa vây.
Do tình trạng tắc đường trầm trọng thường xuyên xảy ra tại khu vực đường Đê La Thành (Hà Nội) vào sáng và chiều nên nhiều trường hợp người nhà phải bế bệnh nhân ra khỏi xe cấp cứu chạy vào Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư. “Cảnh bố hớt hải bế đứa con chạy trước vào phòng cấp cứu, người nhà xách đồ đạc chạy theo sau, tôi chứng kiến nhiều lắm rồi”, bà Thuận, người bán nước trà ngay trước cổng BV này nói và cho biết thêm, những trường hợp bệnh nhân không cần ống thở ô xy thì người nhà có thể bế chạy vào BV, còn bệnh nhi phải thở ô xy đành nằm trên xe cấp cứu, có khi phải mất 30 phút để di chuyển chỉ 100 m từ đường Đê La Thành vào trong BV.
Quan sát của PV Thanh Niên lúc 17 giờ ngày 8.9, chỉ 15 phút có đến 2 xe cấp cứu đưa bệnh nhi vào BV này, bảo vệ của BV cố gắng phân đường cho xe nhưng không thể nhanh hơn vì các ô tô khác không biết lùi vào đâu. Kế bên là BV Phụ sản Hà Nội, do vậy, lượng phương tiện đổ về con đường này rất đông.
“Đẻ rơi” trước khi xe cấp cứu đến
|
Theo bác sĩ Đặng Thành Khẩn, Phó giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, Hà Nội: “Tình trạng kẹt xe ở Hà Nội là sự cố chúng tôi hay gặp. Những lúc tắc đường tài xế phải đi đường vòng. Nhưng có lúc cũng “chết dí” do tắc đường, đến với bệnh nhân chậm hơn. Nhiều lúc bị tắc đường, xe cấp cứu cũng chịu chết, không có cách nào khác. Các tuyến đường thường kẹt xe vào giờ cao điểm được các lái xe và nhân viên y tế ghi nhớ như: Cát Linh, Giảng Võ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một số tuyến đường ở Q.Thanh Xuân xảy ra tắc nghẽn gần đây do công trình đường sắt trên cao, đặc biệt đường Đê La Thành, nơi có hai BV gần nhau, rất thường bị kẹt, nghẽn đường vào giờ cao điểm”.
Theo bác sĩ Khẩn: “Với các nước tiên tiến, thời gian xe cấp cứu tiếp cận bệnh nhân trung bình từ 3 - 5 phút. Do họ có nhiều trạm, lượng xe và nhân viên đông hơn, đường đi lại thuận lợi hơn. Còn thống kê tại Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 (Hà Nội) cho thấy thời gian trung bình xe cấp cứu tiếp cận bệnh nhân là 15 phút, gấp 3 - 5 lần so với các nước. Có trường hợp phải gần một giờ xe cấp cứu mới đến nơi!”.
“Trong cấp cứu, thời gian tiếp cận người bệnh rất quan trọng, nhiều tình huống tính bằng phút, tiếp cận muộn sẽ giảm hiệu quả điều trị. Như trường hợp nhồi máu cơ tim nếu đến chậm rất nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong; hoặc bệnh nhân bị cơn huyết áp tăng quá cao, có thể gây phù phổi cấp, rất cần được xử trí khẩn cấp nếu không có thể tử vong”, bác sĩ Đặng Thành Khẩn nói và cho biết trung bình mỗi năm, các quận nội thành Hà Nội có khoảng 4 - 5 ca sản phụ “đẻ rơi” tại nhà trước khi xe cấp cứu đến, trong số này có thể một phần là xe cấp cứu đến muộn.
Mô tô, trực thăng cấp cứu
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Tại Thái Lan do cũng thường xảy ra cảnh xe cấp cứu bị tắc đường nên họ sử dụng lực lượng cấp cứu bằng xe mô tô chở theo bác sĩ, dụng cụ cấp cứu, thuốc men đến nơi cần cấp cứu. Với những tình huống tắc đường, xe mô tô có thể chạy len vào các ngóc ngách, hẻm để kịp thời sơ cấp cứu cho người bệnh, rất quan trọng, không bỏ qua thời gian vàng trong cấp cứu”.
Xe cứu thương kẹt cứng giữa dòng xe cộ đông nghẹt - Ảnh: Lê Nam
|
“Cũng vì vấn nạn kẹt xe, Thái Lan sử dụng phương tiện cấp cứu là xe máy. Chúng ta có thể vận dụng phương pháp này trong tình cảnh hiện nay”, bác sĩ Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc BV 175, TP.HCM), với một số nước tiên tiến, người ta sử dụng trực thăng cứu hộ y tế. Lực lượng này chuyên giải quyết những tình huống cấp cứu, kể cả những tình huống tắc đường thì họ đưa trực thăng cấp cứu đến thả phương tiện để đưa người bệnh lên máy bay. “Ngoài ra, có những nước, tài xế lái xe cấp cứu cũng được huấn luyện, cấp chứng chỉ về sơ cấp cứu cơ bản khi cần thiết. Những việc này chúng ta cần nghiên cứu vận dụng sao cho phù hợp với mình”, PGS-TS Sơn cho biết và nói thêm: “Cần có sự phối hợp của các lực lượng khác trong đó có CSGT, khi gặp tình huống xe cấp cứu bị tắc đường thì báo CSGT đến hỗ trợ phân luồng. Tuy nhiên, việc phối hợp này cần có sự đồng bộ”.
Bác sĩ Võ Quang Huy - Phó giám đốc điều hành Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết: “Sau khi trung tâm tách ra khỏi BV Trưng Vương, hiện chúng tôi đang phối hợp giữa trung tâm với các đơn vị như công an phường, Cảnh sát 113, lực lượng cứu hộ cứu nạn, CSGT để xử lý những tình huống cần thiết trong cấp cứu, trong đó có tình huống tắc đường”.
“Cần xử phạt làm gương”
Theo Nghị định 171 của Chính phủ, hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên (xe chữa cháy, xe cấp cứu...) đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, người ngồi trên xe ô tô bị phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng, người đi xe máy, kể cả xe máy điện bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xe cấp cứu được quyền ưu tiên nhưng thực tế khi đi vào các tuyến đường nội thành rất ít khi được nhường đường. Dù đã có quy định xử phạt nhưng việc xử phạt còn rất hạn chế. “Với những trường hợp không nhường đường cho xe cấp cứu đang chuyên chở bệnh nhân, CSGT cần xử phạt làm gương, tuyên truyền rộng nhằm răn đe”, ông Thái nói.
Liên quan đến việc dành làn đường ưu tiên cho xe cấp cứu, theo ông Thái điều này rất khó thực hiện nhất là tại các TP lớn. Như tại Hà Nội, việc triển khai làn đường dành riêng cho xe buýt cũng mới chỉ thí điểm (đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân), hoặc xây làn riêng cho xe buýt nhanh tại Lê Văn Lương, tới nay cũng chưa hoàn thành. “Nếu có thể sử dụng làn riêng của xe buýt cho xe cấp cứu chạy chung thì quá lý tưởng, nhưng thực tế là ngay cả xe buýt cũng không có làn riêng để chạy do hạ tầng hạn chế”, ông Thái cho hay.
|
Bình luận (0)